Đưa vàng trở lại thị trường

19/08/2024 04:12 GMT+7

Giá vàng trong nước đã thu hẹp khoảng cách với thế giới theo mục tiêu của Chính phủ đề ra nhưng người dân lại rất khó mua được. Các chuyên gia kinh tế cho rằng đã đến lúc cần phải để thị trường vàng hoạt động bình thường.

Mạng lưới giao dịch vàng bị thu hẹp

Giá vàng thế giới vào cuối tuần qua tăng vọt lên mức cao nhất từ trước đến nay (trên 2.508 USD/ounce) khiến nhiều nhà đầu tư hưng phấn. Thế nhưng, trái hẳn với sự sôi động trên thị trường quốc tế, giá vàng miếng SJC vẫn bất động ở mức mua vào 78 triệu đồng/lượng và bán ra 80 triệu đồng/lượng. Mức giá này thấp hơn 12,4 triệu đồng so với kỷ lục lập hồi tháng 5 (92,4 triệu đồng/lượng) nhưng không đủ giúp thị trường trở nên sôi động. Thay vào đó là cảnh ế ẩm, mất thanh khoản, giao dịch sụt giảm. Giới kinh doanh vàng ước tính vào tháng 3, doanh số mua bán vàng trung bình khoảng 67.000 lượng, giảm gần 50% so với tháng 12.2023. Đến thời điểm hiện tại, con số này còn giảm nhiều hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, cho biết không những thị trường vàng miếng mà cả trang sức cũng ế. Thông thường trước đây, khi giá vàng thế giới tăng mạnh, phá kỷ lục thì vàng trong nước cũng biến động, có sóng. Thế nhưng sau các biện pháp can thiệp thị trường từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sức hấp dẫn của vàng đã giảm đáng kể.

Đưa vàng trở lại thị trường- Ảnh 1.

Người dân hiện rất khó hoặc thậm chí không thể mua được vàng miếng SJC

ẢNH: NGỌC THẮNG

Tính từ đầu tháng 6, khi NHNN chỉ định 4 NH thương mại nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) và Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC bán vàng miếng SJC ra thị trường thì quy mô thị trường bị thu hẹp trong hệ thống của 5 đơn vị này. Cụ thể, mạng lưới bán vàng của các đơn vị được chỉ định có khoảng 40 điểm bán, chủ yếu tập trung tại khu vực TP.HCM và Hà Nội. Việc thu hẹp mạng lưới bán vàng, đồng thời giá vàng miếng SJC được NHNN công bố hằng ngày hoặc có khi vài ngày một lần đã khiến "sóng" trên thị trường hầu như không còn. Chưa hết, khoảng 2 tháng trở lại đây, người muốn mua vàng phải thực hiện đăng ký mua trực tuyến, phải có tài khoản ngân hàng mới có thể mua, mua rồi thì mấy ngày sau mới được nhận..., những điều này khiến người có nhu cầu nản lòng, ít tham gia.

Chị Quế Chi (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nhận xét: Việc mua vàng thời gian gần đây rất gian truân, mất quá nhiều thời gian. Để mua được 1 lượng vàng, đầu giờ sáng khách hàng phải canh vào trang web của các NH hay SJC để đăng ký, nếu may mắn đăng ký được ngay thì còn đỡ, nếu không thì phải chờ lát sau lại vào đăng ký. Có khi đăng ký địa điểm gần nhà không được còn đăng ký điểm xa lại thành công. Đến chiều, đúng giờ đã đăng ký thì lên NH để làm thủ tục mua vàng, thanh toán. Sau khi hoàn tất phần thủ tục thì mất từ 2-4 ngày sau, NH mới giao vàng. 

Sacombank hạ giá bán khoản nợ liên quan gần 6.000 lượng vàng SJC

"Vừa rồi đăng ký thành công 2 lần nhưng sát giờ thì lại bận việc, không chạy đến điểm giao dịch kịp nên đành phải bỏ suất. Đó là chưa kể 4 NH chỉ bán vàng, không mua lại nên cũng không biết nếu cần bán lại vàng đã mua thì bán ở đâu. Vừa rồi, Công ty SJC tạm dừng mua lại vàng miếng SJC có số sê ri 1 chữ, lỡ như vài năm tới tình trạng này cũng diễn ra với vàng miếng thì biết làm sao. Có hơn 200 triệu đồng tính mua vàng hơn 1 tháng nay mà vẫn chưa thể mua được. Quá mệt nên thôi khỏi mua nữa dù trước đó mình vẫn thích", chị Quế Chi cho hay.

Đưa vàng trở lại thị trường- Ảnh 2.

Người dân mua vàng miếng tại Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC). Theo giới chuyên gia, đã đến lúc để thị trường vàng hoạt động bình thường trở lại

ẢNH: Đ.N.T

Nếu nhìn trên tổng thể cả nước có 22 NH và 16 doanh nghiệp (DN) được cấp phép kinh doanh vàng miếng thì có thể thấy, mạng lưới bán vàng hiện đã bị thu hẹp mạnh. Cũng vì thế, ngay sau khi NHNN triển khai cung vàng cho 4 NH và công ty SJC, Hiệp hội kinh doanh vàng VN đã có công văn gửi Chính phủ đề nghị cho các DN được mua vàng miếng SJC để bán can thiệp. Theo hiệp hội, các NH thương mại quốc doanh và Công ty SJC chỉ bán vàng cho người dân qua một số chi nhánh ở các thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. 

Người dân ở các tỉnh, thành khác, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, chưa có điều kiện tiếp cận để được mua vàng miếng SJC. Riêng các NH chỉ bán vàng cho dân mà không mua vào nên có thể chưa tạo điều kiện khuyến khích người dân chuyển đổi vốn bằng vàng cho đầu tư phát triển. Để đảm bảo thị trường vàng lưu hành một cách bình thường, thông thoáng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; làm cho thị trường vàng sớm ổn định, mua bán thông thường, giảm nhu cầu người dân tích trữ vàng, Hiệp hội kinh doanh vàng VN đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao NHNN bán vàng miếng SJC cho các DN được cấp giấy phép mua - bán vàng miếng chỉ để trực tiếp bán cho người dân. Về thời gian, số lượng và phương thức bán theo quy định, DN có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, báo cáo theo quy định.

Hãy để thị trường quyết định cung - cầu vàng

Giá vàng thế giới hiện ở mức cao nhất từ trước đến nay. Quy đổi theo tỷ giá của NH Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 76,3 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Như vậy, hiện vàng miếng SJC chỉ còn đắt hơn thế giới 3,7 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch khá thấp nếu so với khoảng cách 16-17 triệu đồng/lượng trong những tháng đầu năm nay. Hay nói cách khác, mục tiêu kéo giá trong nước gần sát giá thế giới đã đạt hiệu quả.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa (thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia) nhận định sau 2 tháng rưỡi NHNN thực hiện giải pháp bán vàng miếng ra thị trường thông qua 4 NH cùng Công ty SJC đã đưa chênh lệch giá trong nước với thế giới xuống thấp. Hiện nay, vàng miếng SJC chỉ còn đắt hơn thế giới dưới 4 triệu đồng/lượng hoặc có khi 5 triệu đồng/lượng và đây là mức chênh lệch hợp lý. Bên cạnh đó, giá vàng nhẫn 4 số 9 tại SJC cũng ở mức sát giá vàng miếng cùng thương hiệu (hiện chỉ còn cách nhau khoảng 600.000 đồng/lượng). 

"Đã có đủ yếu tố để NHNN bắt đầu để thị trường vàng trở lại trạng thái bình thường. Đó là hoạt động giao dịch, mua bán của người dân tại các công ty kinh doanh vàng bạc đá quý đã được cấp phép như trước đây. Việc hạn chế số lượng mua tại 4 NH và SJC mà chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP.HCM hay một số quy định như yêu cầu chứng minh xuất xứ của vàng là bất hợp lý cho thị trường. Vàng là tài sản tích lũy, có thể là của để dành hay được thừa kế qua hàng chục đến vài chục năm, vậy làm sao người dân còn lưu giữ giấy tờ mua bán? Những quy định này không thể kéo dài lâu vì khiến thị trường "méo mó" và tự mình làm khó mình", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng lưu ý khi đưa vàng trở về giao dịch thật sự thì cần phải đi đôi với việc sửa đổi các quy định quản lý phù hợp, từ đó sẽ duy trì được sự ổn định, phát triển của thị trường. "Cần phải để vàng trở lại trạng thái bình thường, không có gì quá ghê gớm để phải phản ứng chính sách như thời gian vừa qua. Phải hiểu rằng người dân mua vàng để dự trữ, vàng để dành của dân cũng là dự trữ quốc gia. Vàng tại NHNN là dự trữ quốc gia tập trung, vàng do người dân để dành là dự trữ phân tán. Đều là dự trữ quốc gia, cần phải được nhìn nhận công bằng. Việc quản lý làm cho người dân không mua, không bán được là lỗi của những đơn vị quản lý liên quan", TS Lê Xuân Nghĩa nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cơ chế bán vàng hiện nay đã làm giảm cơn sốt vàng. Gần đây, nhìn bề ngoài thì thấy người dân không còn muốn mua nữa nhưng thực tế là họ không mua hay mua không được? Vàng là kênh "xuống tiền" thứ 2 của người dân sau kênh tiền gửi ngân hàng. Thông thường vào những thời điểm giá vàng quốc tế tăng mạnh, nhiều người lại quan tâm nhiều đến vàng hơn. 

Ông Hiếu nhấn mạnh giải pháp bán vàng qua các NH, công ty SJC là giải pháp tình thế nhằm đạt được nhanh mục tiêu rút ngắn mức chênh lệch giá giữa trong và ngoài nước, chống tình trạng vàng hóa trên thị trường. Trong trường hợp muốn triệt hạ thị trường vàng vĩnh viễn, khiến dòng tiền không chạy vào vàng nữa mà chuyển dịch sang NH thì có thể duy trì biện pháp hiện nay. 

Tuy nhiên, người dân có nhu cầu mua vàng nên cần trả vàng lại cho thị trường. Hãy để cung - cầu vàng cho thị trường quyết định, không nên can thiệp sâu như thời gian qua khi vàng không ảnh hưởng đến tỷ giá. Trường hợp áp dụng các biện pháp hành chính lâu dài lên thị trường rất dễ phát sinh các vấn đề tiêu cực như hình thành thị trường chợ đen, xuất hiện vàng giả, vàng nhái, lừa đảo, mua bán vàng không đúng quy định…

Bỏ độc quyền thương hiệu vàng SJC, cấp phép nhập khẩu vàng

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, để chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không quay lại mức cao vô lý như trước đây thì phải sớm sửa đổi Nghị định số 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng bỏ độc quyền thương hiệu vàng SJC, cho phép một số DN nhập khẩu vàng. Bởi hiện tại NHNN vẫn là cơ quan độc quyền nhập khẩu vàng nhưng nhiều năm qua nguồn cung này rất ít. Dù NHNN không nhập khẩu chính thức vàng thì thời gian qua kim loại quý cũng vào VN thông qua con đường nhập lậu rất nhiều. 

Gần đây, động thái mạnh tay ngăn chặn buôn lậu vàng của nhà nước càng khiến nguồn cung thiếu hụt. Vì vậy, NHNN cần nhanh chóng đề xuất sửa đổi chính sách quản lý. Trong đó phải xóa bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, trả lại thương hiệu này cho chính SJC vì đó cũng chỉ là một DN như các đơn vị khác. Giá vàng của SJC có thể cao hơn các hãng khác vài chục ngàn một lượng chứ không phải chênh lệch hàng triệu đồng như hiện tại.

Quan trọng hơn là cho phép một số NH thương mại nhà nước và DN kinh doanh vàng bạc lớn được xuất nhập khẩu vàng. Ước tính nếu cho nhập khẩu vàng thì mỗi năm số tiền này khoảng 3 - 4 tỉ USD, tương đương nhập khẩu rượu, thuốc lá ngoại, hoặc tương đương mức nhập khẩu mỹ phẩm. Việc mở rộng cho phép một số NH thương mại nhà nước tham gia nhập khẩu vàng, sau đó bán sỉ cho các công ty vàng bạc và để các công ty này bán lẻ cho dân cũng tạo nền tảng để hướng tới tạo lập sàn vàng, giao dịch bằng chứng chỉ và các NH có chức năng lưu ký chứng chỉ vàng. Mô hình này đang được Trung Quốc áp dụng, cho phép 13 đơn vị nhập khẩu vàng theo quy định, trong đó có 5 NH quốc doanh, 4 NH nước ngoài và 4 công ty vàng bạc trong nước. 

Đồng thời, cần chuyển việc quản lý vàng theo hàm lượng vàng nguyên chất, chỉ có vàng 24K hoặc vàng 18K như thế giới. TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh vàng là hàng hóa có chất lượng đồng nhất trên toàn thế giới. Trên thế giới chỉ có phân biệt vàng 24K và 18K chứ không phân ra vàng miếng, vàng nhẫn... VN cũng cần hướng tới có quy chuẩn quản lý chất lượng vàng đồng nhất như thế giới.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng cũng đề xuất cần có giải pháp để giúp giá vàng trong nước liên thông với giá thế giới. Trong đó, việc sớm sửa đổi Nghị định 24/2012 theo hướng xóa bỏ độc quyền vàng miếng, cũng như cho thành lập trung tâm giao dịch vàng, cung cấp vàng nguyên liệu cho hoạt động sản xuất trang sức là cần thiết. Bởi khi bỏ các biện pháp đang thực hiện thì phải có biện pháp khác thay thế giúp giá vàng trong nước liên thông với giá thế giới. Nếu không đồng bộ sẽ dẫn đến tình trạng như trước, đó là giá vàng trong nước có thể đắt hơn thế giới lên gần 20 triệu đồng/lượng.

Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng miếng và vàng xu ở VN trong quý 2/2024 tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng nhu cầu vàng miếng và vàng xu trong nửa đầu năm 2024 đạt 26 tấn. Đây cũng là mức cao nhất kể từ năm 2014 đến nay. Báo cáo đánh giá nguyên nhân nhu cầu vàng tăng là do đồng nội tệ sụt giảm, sự gia tăng của lạm phát, hiệu suất kém của thị trường cổ phiếu và bất động sản trong nước. Trước đó, cả năm 2023 nhu cầu tiêu dùng vàng tại VN giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ năm trước, từ 59,1 tấn năm 2022 xuống còn 55,5 tấn. Trong đó, cầu vàng miếng và vàng xu giảm nhẹ 2%, cầu vàng trang sức giảm 16%.

Cho nhập khẩu vàng càng sớm càng tốt

Nếu NHNN cho phép nhập khẩu vàng để tăng nguồn cung thì giá vàng tiếp tục giảm, cho đến khi ngang bằng với giá vàng thế giới. Trước đây, có những thời điểm giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chỉ chênh nhau trên dưới 1 triệu đồng (khoảng 2%), hoặc có thời điểm còn thấp hơn. Cần sửa Nghị định 24 càng sớm càng tốt để nhanh chóng đưa thị trường trở lại hoạt động bình thường. Nếu không tăng nguồn cung thì giá vàng trong nước vẫn sẽ chênh lệch cao với thế giới, đồng thời buôn lậu vẫn luôn diễn ra.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia

NHNN cần tăng cung để đáp ứng nhu cầu của thị trường

Cần xem xét để vàng quay lại giao dịch bình thường. Điều quan trọng là Nghị định 24/2012 đã quy định khá rõ về việc quản lý thị trường vàng trong nước. Trong đó, NHNN sẽ cấp phép nhập khẩu vàng cho các đơn vị để đảm bảo cung cầu trên thị trường. Vì vậy điều quan trọng là phải có dữ liệu thống kê chính xác về sản xuất kinh doanh, cung cầu vàng trong nước hiện nay như thế nào. Có thể thời gian qua NHNN chủ quan nên không cấp phép nhập khẩu vàng, khiến nguồn cung thấp hơn. Đặc biệt khi giá vàng càng tăng thì nhu cầu sẽ lên cao hơn nhiều nên cần phải nhập khẩu để không diễn ra tình trạng chênh lệch quá vô lý so với thế giới.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính

Đưa vàng trở lại thị trường- Ảnh 3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.