Đức, Pháp, Anh cạnh tranh giành thế đi đầu AI ở châu Âu

Thu Thảo
Thu Thảo
28/04/2018 13:56 GMT+7

Các nước châu Âu đang cạnh tranh nhau để trở thành nước đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Mỗi nước cam kết đầu tư hàng triệu bảng Anh trong vài tuần qua.

Theo Forbes, ba nước nổi lên trong cuộc đua AI ở châu Âu là Anh, Pháp và Đức.
AI được dự báo là sẽ tác động sâu sắc hơn lên xã hội so với cuộc cách mạng công nghiệp, khi mà nhiều công nghệ như ô tô tự lái, robot làm nông và nhiều công nghệ khác rất có khả năng cất cánh trong vài năm tới. Nhiều người cũng lo ngại rằng AI có thể gia tăng bất bình đẳng toàn cầu, hoặc được sử dụng cho mục đích xấu như xây dựng các hệ thống vũ khí tự hành.
Dù vậy, các nước vẫn chi mạnh tiền để phát triển AI. Anh công bố thỏa thuận hơn 1 tỉ bảng Anh để “biến Anh trở thành nước đi đầu AI toàn cầu” hôm 26.4. Dù vậy, chỉ 300 triệu bảng Anh trong số tiền trên là tài trợ công, phần còn lại đến từ hơn 50 doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức khác.
“Anh phải đi đầu trong công nghệ mới nổi này, thúc đẩy ranh giới và khai thác sự đổi mới để đổi thay cuộc sống người dân theo hướng tốt hơn. Trí tuệ nhân tạo là trung tâm trong các kế hoạch của chúng tôi nhằm đưa Anh trở thành nơi tốt nhất trên thế giới để khởi động và phát triển doanh nghiệp kỹ thuật số. Chúng tôi có hồ sơ theo dõi tuyệt vời và là nhà của một số hãng AI lớn như Deepmind, Swiftkey và Babylon. Bằng cách thúc đẩy kỹ năng AI và công nghệ dựa trên dữ liệu, chúng tôi đảm bảo rằng mình sẽ tiếp tục xây dựng nước Anh đang định hình tương lai”, Matt Hancock, Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật số, văn hóa, truyền thông và thể thao Anh cho hay.
Cách nay hai tuần, Pháp cam kết chi 1,5 tỉ USD để phát triển AI, còn Thủ tướng Đức Angela Merkel thì công bố kế hoạch chiến lược AI quốc gia vào cuối tuần trước. Hiện chưa rõ số tiền cụ thể mà Đức sẽ rót vào AI trong những năm tới, song con số này rất có thể trên 1 tỉ USD.
Khi Pháp công bố số tiền đầu tư vào AI, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho hay: “Trí tuệ nhân tạo là cuộc cách mạng công nghệ, kinh tế, xã hội và rõ ràng là đạo đức. Cuộc cách mạng này không xảy ra trong 50 hay 60 năm, nó xảy ra ngay lúc này. Có ít cơ hội và chúng ta có thể chọn theo đuổi đổi mới, hoặc là không”. Trong khi đó, Thủ tướng Merkel cho hay: “Chúng tôi cũng muốn cạnh tranh và đi đầu”.
Chuyên gia Samim Winiger thuộc AE, trung tâm công nghệ học hỏi máy tính sáng tạo ở Berlin, cho biết: “Đức là đại diện thực sự cho công nghệ AI ở châu Âu. Đơn cử, họ sở hữu lượng bằng sáng chế khổng lồ liên quan đến công nghệ xe tự lái và robot công nghiệp. Bước đi tiếp theo của họ trong công nghệ lớn gắn liền với quyết định tiếp tục hướng trục về Trung Quốc”.
Đầu tuần này, một nhóm chuyên gia AI kêu gọi châu Âu cùng bắt tay lập nên Viện AI châu Âu. Trong bức thư ngỏ, nhiều nhà khoa học viết rằng “châu Âu không bắt kịp” với Bắc Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy họ kêu gọi lập Phòng thí nghiệm châu Âu cho Hệ thống Máy móc học hỏi và Trí tuệ nhân tạo (ELLIS).
Ông Winiger cho hay: “EU có cơ hội độc nhất trong giao điểm hệ thống học hỏi của máy móc, quá trình chuyển đổi sang 100% nền kinh tế tái tạo và các giá trị nhân văn đạo đức, vốn là một phần trong DNA của lục địa. Song các nhà hoạch định chính sách nhiều thập niên qua đã quá tin tưởng vào các đối tác Đại Tây Dương, những đối tác ngày nay lấy 100% dữ liệu người dùng song trả thuế gần như bằng 0 cho EU”.
Ủy ban châu Âu (EC) cho hay họ đặt mục tiêu đầu tư 20 tỉ EUR cho nghiên cứu, đổi mới AI từ nay đến cuối năm 2020 để bắt kịp với Mỹ và Trung Quốc. Họ cũng cam kết tăng khoản đầu tư này lên thêm 1,5 tỉ EUR trong giai đoạn 2018 - 2020 theo chương trình nghiên cứu và đổi mới Horizon 2020.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.