Tuy nhiên, ba nước Đức, Pháp, Anh tuyên bố rằng Mỹ hồi năm 2018 đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) nên không có quyền yêu cầu tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Iran.
“Pháp, Đức và Anh, được gọi là E3, lưu ý rằng Mỹ không còn là thành viên của JCPOA kể từ khi rút khỏi thỏa thuận vào ngày 8.5.2018”, theo Đài RT ngày 21.8 dẫn tuyên bố chung của Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Ngoại trưởng Anh Dominic Raab.
Do đó, E3 “không thể ủng hộ” yêu cầu của Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Iran, vì nó “không phù hợp” với những nỗ lực hiện tại của nhóm E3 để thực hiện thỏa thuận JCPOA, theo tuyên bố trên.
Giới quan sát nhận định động thái tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Iran có thể phá hủy hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân JCPOA được Iran ký với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) vào năm 2015.
Hãng Fars ngày 20.8 đưa tin phát biểu tại cuộc họp nội các, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định Tehran sẽ tiếp tục chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Sau khi nhận được đề nghị chính thức của Mỹ, các nước thành viên còn lại trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ có 10 ngày để đưa ra quyết định có tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran hay không.
Nếu các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không nhất trí được, các lệnh trừng phạt Iran sẽ tự động được kích hoạt sau 30 ngày kể từ khi Mỹ chính thức đưa ra đề nghị.
Bình luận (0)