Xe

Đức tăng cường hiện diện quân sự ở Indo-Pacific

Ngọc Mai
Ngọc Mai
03/09/2022 08:00 GMT+7

Kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) được đánh giá mang tính biểu tượng quan trọng trong chiến lược của Đức đối với khu vực.

Tư lệnh quân đội Đức Eberhard Zorn mới đây tuyên bố lực lượng vũ trang nước này có kế hoạch cử binh sĩ tham gia các cuộc tập trận ở Úc vào năm 2023, còn hải quân sẽ điều thêm nhiều tàu chiến tới Indo-Pacific vào năm 2024. “Chúng tôi muốn củng cố sự hiện diện của mình tại khu vực”, Reuters ngày 1.9 dẫn lời ông Zorn nhấn mạnh.

NVCC

Để làm rõ hơn về động thái của Đức, Thanh Niên ngày 2.9 đã phỏng vấn tiến sĩ người Đức Frederick Kliem (ảnh) thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyan (Singapore). Ông là chuyên gia về quan hệ quốc tế và địa chính trị ở Indo-Pacific, chủ nghĩa đa phương ở Á, Âu, chính trị Đức và đặc biệt là chính sách tham gia của châu Âu tại Indo-Pacific.

Ông đánh giá thế nào về tuyên bố mới của tư lệnh quân đội Đức? Đây có phải là sự thay đổi lớn trong chính sách của Đức đối với khu vực Indo-Pacific không?

TS Frederick Kliem: Tuyên bố của tướng Zorn là một phần trong cuộc phỏng vấn chung về môi trường chính trị ở Đức và trong đó vấn đề Nga - Ukraine chiếm phần nhiều hơn. Tuy vậy, nhân vật cấp cao nhất trong quân đội Đức cũng đã nhấn mạnh Indo-Pacific rất quan trọng đối với an ninh của Berlin và châu Âu, như cách chính phủ Đức nhiều lần đề cập kể từ sau khi ban hành Hướng dẫn Indo-Pacific vào năm 2020. Mặc dù ở khoảng cách rất xa, Đức có lợi ích sống còn trong 3 mục tiêu chính: một là sự toàn vẹn của luật pháp quốc tế trong khu vực; hai là các tuyến hàng hải an toàn và tự do vì Đức là một nền kinh tế thương mại lớn; và ba là thể hiện sự ủng hộ với các đồng minh và đối tác của Đức trong khu vực không chỉ bằng lời nói.

Việc triển khai binh sĩ và tàu chiến như tuyên bố là một động thái đáng hoan nghênh từ quốc gia vốn trong thời gian dài đã né tránh các trách nhiệm của mình về an ninh khu vực và toàn cầu. Dù vậy, những tuyên bố này thực tế không thay đổi chính sách của Đức đối với Indo-Pacific gần đây. Tất cả những điều đó đã được lên kế hoạch từ lâu và không phải là bí mật.

Trái với suy nghĩ thông thường rằng những đợt triển khai này phản ánh chính sách riêng của chính phủ Đức hiện tại với đảng Xanh nắm phần nhiều trong liên minh cầm quyền. Việc Đức tăng cường hiện diện tại Indo-Pacific đã bắt đầu dưới chính phủ tiền nhiệm của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer là người có mối quan tâm và đầu tư rất nhiều tại khu vực. Bà cũng là người ủng hộ vai trò lớn hơn của Đức ở châu Á.

Khinh hạm Bayern thăm VN hồi tháng 1

Thụy Miên

Theo ông, Đức có thể làm gì thêm trong tương lai, về quân sự và các mối quan hệ với đối tác tại Indo-Pacific?

TS Frederick Kliem: Đức phải và sẽ tập trung vào việc phòng thủ ở NATO. Đó là ưu tiên hàng đầu vì những lý do rõ ràng và đây cũng là điều mà đối tác quan trọng nhất của Đức là Mỹ mong muốn. Indo-Pacific, mặc dù có liên quan đến Đức, nhưng sẽ chỉ đứng thứ ba hoặc thậm chí thứ tư trong ưu tiên an ninh của Berlin. Dù vậy, Đức đã thiết lập các giá trị lớn để hợp tác với các đối tác “cùng chí hướng” và do đó họ sẽ muốn thể hiện sự ủng hộ của mình mà cụ thể ở khu vực này là Mỹ, Úc và Nhật Bản đang đi đầu. Thứ hai, Berlin tin vào “sự không thể chia cắt về an ninh”, nghĩa là sự suy giảm an ninh ở những nơi khác có ảnh hưởng trực tiếp đến châu Âu. Điều này đặc biệt đúng với châu Phi và Đông Á.

Trong bối cảnh này, Đức nên và sẽ thường xuyên thể hiện sự ủng hộ của mình ở Indo-Pacific với hành động cụ thể, bao gồm cả việc triển khai quân sự. Tuy nhiên, điều này vẫn còn hạn chế, không mang tính sát thương và quan trọng nhất sẽ tập trung vào hợp tác mạnh mẽ và sự phản hồi của các nước khác trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia ASEAN. Ngoài ra, cũng cần cho Trung Quốc hiểu rõ rằng động cơ chính của các đợt triển khai này không phải là ngăn chặn hay thể hiện sức mạnh chống lại Bắc Kinh mà là được thúc đẩy bởi các nguyên tắc và sự đoàn kết với các đối tác.

Vậy các động thái của Đức có tác động như thế nào tới khu vực Indo-Pacific?

TS Frederick Kliem: Thẳng thắn mà nói điều này chưa có tác động hữu hình đáng kể với an ninh khu vực. Năng lực của Đức trong trường hợp này bị hạn chế và những gì họ có sẽ được ưu tiên cho các mục đích ở NATO. Tuy nhiên, nó mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng trong quan hệ quốc tế. Việc triển khai quân sự và tập trận chung làm tăng thêm sức nặng ngoại giao cho Berlin. Hơn nữa, điều này phản bác quan điểm cho rằng Đức chủ yếu chỉ hưởng lợi an ninh do người khác mang lại. Berlin đang tìm cách chứng minh mình là đối tác đáng tin cậy và sẵn sàng thể hiện năng lực chứ không chỉ bằng lời nói.

Hôm 19.8, Đức điều động nhiều máy bay quân sự tham gia cuộc tập trận đa phương Pitch Black tại Úc. Năm 2020, Đức đánh dấu bước ngoặt trong chính sách an ninh khi công bố Hướng dẫn Indo-Pacific, với trọng tâm tăng cường liên minh với các nền dân chủ trong khu vực. Cuối năm 2021, khinh hạm Bayern của Đức đi qua Biển Đông, lần đầu tiên sau gần 20 năm và là chuyến hải hành nằm trong chuỗi huấn luyện và tăng cường hiện diện kéo dài nửa năm của hải quân Đức ở Indo-Pacific. Trong khuôn khổ chuyến đi kéo dài đến đầu năm nay, tàu Bayern đã ghé thăm VN và các nước như Pakistan, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.