Đức Trọng xã hội hóa việc thu gom, vận chuyển rác thải

30/04/2022 08:00 GMT+7

Việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng ở H.Đức Trọng (Lâm Đồng) gặp những khó khăn nhất định và địa phương đã xây dựng đề án xã hội hóa việc này.

H.Đức Trọng có diện tích tự nhiên hơn 90.160 ha, toàn huyện có 15 xã, thị trấn với dân số khoảng 190.822 người. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, hằng ngày môi trường đang phải tiếp nhận một lượng lớn rác thải từ các hoạt động của con người. Những năm qua, công tác thu gom, vận chuyển rác thải do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng (Ban QLDA) Đức Trọng thực hiện, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, giá dịch vụ. “Hiện nay trung bình mỗi ngày, đơn vị đã tổ chức thu gom, vận chuyển khoảng 100 tấn rác các loại/ngày (tương ứng khoảng 200m3). Tỷ lệ thu gom rác thải đô thị đạt 90%, tại địa bàn 9 xã đạt 70% (còn 5 xã vùng loan chưa thực hiện)”, đại diện Ban QLDA Đức Trọng, cho biết.

Công tác vệ sinh môi trường tại Đức Trọng cơ bản được đảm bảo, đường phố ngày càng sạch đẹp

Ảnh: A.T

Theo đánh giá của UBND H.Đức Trọng, trong thời gian qua, công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đã được Huyện ủy, UBND huyện, các phòng ban, địa phương quan tâm đầu tư, tổ chức thực hiện đạt được kết quả đáng khích lệ. Đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải đã có nhiều cố gắng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của huyện, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường. Nguồn lực đầu tư cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải được tăng cường; phương tiện thu gom, vận chuyển, thùng rác thải đã được đầu tư, giải quyết công tác vệ sinh môi trường của địa phương.

Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển rác còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tuyến thu gom rác tại nhiều khu vực, tuyến đường hẻm nhỏ chưa có phương tiện trực tiếp thu gom rác mà do các hộ dân tự tập kết về đầu hẻm, các khu vực chợ hoặc nơi công cộng, sau đó Ban QLDA đi thu gom vận chuyển rác dẫn đến còn nhiều hộ gia đình không đóng giá dịch vụ vệ sinh môi trường. Nguồn kinh phí thu từ công tác thu gom vận chuyển rác của các hộ dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa đảm bảo cho công tác chi. Phương tiện chuyên dùng xuống cấp hư hỏng nhiều; trang thiết bị và lực lượng tham gia công tác thu gom, vận chuyển còn thiếu nhiều so với nhu cầu, chưa có phương tiện chuyên dùng thu gom chất thải rắn. Công tác tuyển dụng lao động, đặc biệt là tuyển dụng công nhân lái xe, bốc xúc thu gom rác thải gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù công việc là nặng nhọc, môi trường làm việc độc hại, ô nhiễm, trong khi mức lương tương đối thấp so với mặt bằng chung của xã hội…

Ông Lê Nguyên Hoàng, Phó chủ tịch UBND H.Đức Trọng, cho hay trước thực trạng trên, huyện đã xây dựng và ban hành đề án Xã hội hóa quét, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn, giai đoạn 2021-2025. Đề án nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quét, thu gom, vận chuyển rác thải, tiến đến cải thiện môi trường cuộc sống ngày càng bền vững và thực hiện thành công chỉ tiêu về môi trường của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ H.Đức Trọng lần thứ XIII nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, cũng như xây dựng Đức Trọng thành thị xã trong thời gian tới (theo Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy). Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa về bảo vệ môi trường và thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, huy động tối đa mọi nguồn lực cho công này; từng bước hướng đến đảm bảo theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

“Nội dung, kinh phí, giải pháp và lộ trình thực hiện cũng đã xây dựng cụ thể. Theo đó, từ nay đến năm 2024, tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại đô thị đạt khoảng 98%; nông thôn đạt từ 95% tương ứng với tỷ lệ thu giá dịch vụ. Từ năm 2025, tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác bằng tỷ lệ thu giá dịch vụ thải sinh hoạt tại đô thị và tại nông thôn đạt 100%. Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 73 tỉ đồng; trong đó xã hội hóa từ việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác, phế thải xây dựng là 66,8 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 91,4%”, ông Hoàng cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.