"Chính phủ liên bang sẽ ra lệnh triệu hồi chính thức ngay lập tức vì đã thiết kế "dụng cụ triệt tiêu" (defeat device) bất hợp pháp”, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đức Andreas Scheuer nói trong một tuyên bố.
Động thái này chủ yếu ảnh hưởng đến Mercedes-Benz Vito và các phiên bản chạy bằng diesel của Mercedes GLC 4x4 và dòng sedan hạng C. Ông Dieter Zetsche, Giám đốc điều hành công ty mẹ Daimler, đã được triệu tập hôm 11.6 để đàm phán với ông Scheuer về những bất thường khí thải trong các phương tiện của hãng.
"Daimler nói rằng các ứng dụng trong phần mềm điều khiển động cơ được chính phủ liên bang tìm ra lỗi sẽ nhanh chóng bị loại bỏ trong sự hợp tác minh bạch với chính quyền", ông Scheuer cho biết.
Một phát ngôn viên của Daimler đã xác nhận việc triệu hồi với AFP, đồng thời nói thêm "các câu hỏi pháp lý sẽ được giải quyết trong thủ tục khiếu nại" chống lại quyết định của Bộ Giao thông vận tải.
Phần mềm gọi là "dụng cụ triệt tiêu" cũng là trung tâm trong vụ gian lận khí thải của Volkswagen, khi hãng này hồi tháng 9.2015 thừa nhận đã lắp đặt phần mềm này trong 11 triệu xe trên toàn cầu. Vụ bê bối cho đến này đã khiến nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới mất 25 tỉ euro (khoảng 29,5 tỉ USD) tiền phạt, mua lại và bồi thường. Các giám đốc điều hành cấp cao của Volkswagen cũng đang bị điều tra về vai trò của họ trong vụ việc.
Kể từ năm 2015, một số hãng ô tô khác của Đức đã buộc phải triệu hồi xe để sửa chữa phần mềm đã thiết kế bất hợp pháp, mặc dù cho đến nay chưa có công ty nào thừa nhận đã gian lận hàng loạt như Volkswagen đã làm. Những tuần gần đây, Cơ quan cấp phép lưu hành xe liên bang Đức (KBA) đã nhắm vào các công ty con của Volkswagen như Audi và Porsche với hàng loạt yêu cầu triệu hồi xe liên quan đến phần mềm "dụng cụ triệt tiêu".
Tháng 3.2018, các công tố viên đã bất ngờ có mặt tại trụ sở BMW, nói rằng cuộc điều tra của họ chỉ mới bắt đầu sau khi thu thập bằng chứng. Hôm 11.6, các công tố viên tuyên bố rằng họ nghi ngờ Giám đốc điều hành Audi, ông Richard Stadle, có liên quan đến gian lận.
"Toàn bộ ngành công nghiệp ô tô châu Âu vẫn còn bị mắc kẹt trong bê bối khí thải diesel. Mọi hành động được thực hiện cho đến nay đã không thể giải phóng ngành này. Chính phủ Đức nên phê chuẩn phần cứng, thay vì phần mềm thay thế để có được một giải pháp trung thực đối với lượng phát thải quá mức. Nếu không, các hãng xe sẽ tiếp tục vấp ngã trong tương lai và danh tiếng của họ bị phá hủy. Căng thẳng đang gia tăng và tất nhiên điều này phụ thuộc vào những tiến bộ mà chính trị gia thực hiện được", Ferdinand Dudenhoeffer, chuyên gia ngành công nghiệp ô tô tại trung tâm nghiên cứu CAR nói với AFP.
Về phần mình, các công ty Đức đã công bố nhiều mẫu xe điện và hybrid mới nhằm giảm phát thải khí nhà kính CO2. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục đặt cược vào động cơ đốt trong và động cơ diesel trong tương lai.
Bình luận (0)