Dùng 15 lon bia cứu sống người ngộ độc rượu: Thực hư uống rượu 'chữa lửa' bằng bia

10/01/2019 12:42 GMT+7

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị truyền gần 5 lít bia cho bệnh nhân ngộ độc rượu để kéo dài thời gian lọc máu và đã cứu sống người này khiến dân mạng 'sốc nặng' vì cách 'lấy độc trị độc' này quá hiệu quả.

'Sốc' vì truyền bia cứu người
Chiều ngày 23.12.2018, tại nhà thờ Đồng Giám (Triệu Độ) tổ chức tiệc mừng Giáng sinh với 50 khách mời, trong đó có ông Nguyễn Văn Nhật, Lê Văn Tửu, Hoàng Thanh Chiến và Lê Văn Xược (cùng trú huyện Triệu Phong). Bữa tiệc có sử dụng bia, rượu.
Đến sáng 25.12.2018, 4 người nêu trên bị ngộ độc rượu. Ông Nguyễn Văn Nhật và Lê Văn Tửu cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, hai bệnh nhân còn lại cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế. Đến ngày 28.12.2018, bệnh nhân Lê Văn Xược tử vong.
Liên quan đến việc cứu chữa bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật, thạc sĩ - bác sĩ Lê Văn Lâm (Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị) cho biết, sáng 25.12.2018, ông Nhật nhập viện trong tình trạng hôn mê, hết sức nguy kịch. Các bác sĩ đã làm xét nghiệm và dựa vào biểu hiện lâm sàng chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc methanol có trong rượu.
Để cứu bệnh nhân, các bác sĩ dùng 3 lon bia (tổng cộng 990ml) để truyền vào đường tiêu hóa của ông Nhật. Liên tiếp sau đó, một giờ đồng hồ truyền tiếp 1 lon bia. Sau khi chuyền 15 lon bia (gần 5 lít) kết hợp việc lọc máu, điều trị tích cực, đến sáng 26.12.2018 (sau 24 giờ) bệnh nhân Nhật tỉnh, nay đã xuất viện.
Cộng đồng mạng đã dậy sóng khi chia sẻ "rần rần" vụ việc. Một Facebooker viết: "Đỉnh cao của "lấy độc trị độc": Dùng 15 lon bia cứu sống người đàn ông bị ngộ độc rượu". Tài khoản Đ.N.Phồn thì bình luận đây là "Thần bia hiệp lữ. Chuyện thật như đùa".
Trong khi nhiều người phấn khích cho rằng, hôm sau đi nhậu rượu xong sẽ "làm thêm vài chai bia nữa là được". Tài khoản Vương Mon viết: "Hôm nào uống nhiều rượu quá thì mua bia về uống thêm cho không bị ngộ độc rượu". Tuy nhiên cũng có nhiều bạn "tỉnh táo" hơn khi nhận ra, trường hợp này "dùng bia để cứu người chứ không phải để nhậu".
Sự thật bia có giải được rượu?
Bác sĩ Lâm giải thích, rượu có hai loại cơ bản là Etylic và Metylic (Methanol). Khi đi vào cơ thể, gan sẽ chuyển hóa Etylic trước, sau đó đến Metylic. Trong đó, Etylic được chuyển hóa sẽ không gây ngộ độc nhưng Metylic được chuyển hóa thành Andehit Formic, ở hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc, nguy cơ tử vong rất cao. Trong bia có Etylic, vì vậy để hạn chế quá trình chuyển hóa Metylic, đội ngũ y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã chuyền bia cho bệnh nhân. 
Khi chuyền bia cho bệnh nhân Nhật, gan sẽ ưu tiên chuyển hóa Etylic, ngưng chuyển hóa Metylic, điều đó giúp có đủ thời gian để lọc máu, bác sĩ Lâm cho hay.
Hơn nữa, Methylic ở lâu trong cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị đào thải dần qua đường nước tiểu, làm giảm độc tố trong cơ thể, đó là cơ sở để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ Lâm cho hay.
Nhiều người đang thắc mắc, nếu uống rượu say thì có nên uống bia thêm để giải rượu? Một bác sĩ tại TP.HCM cho biết: "Uống rượu vào bị say là do ngộ độc ethanol và toan máu, thiếu nước nên sẽ rất khát nước, cần bù nước cho đủ. Tốt nhất là uống thêm nhiều nước rồi nằm nghỉ ngơi". 
"Trường hợp sau khi uống 24 giờ mà vẫn còn mệt. đau đầu nhiều, buồn ói thì khả năng do trong rượu có metanol, lúc đó đau đầu do HCHO. Có thể uống một ít (chỉ một ít) rượu trắng hoặc bia chuẩn, tức là ethanol, sẽ bớt đau đầu và bớt say", vị này nói thêm.
Một bác sĩ đa khoa khác ở TP.HCM cho biết: "Cả 2 loại ethanol và methanol đều có khả năng gây ngộ độc. Tùy trường hợp mà có cách xử lý khác nhau chứ không phải cứ ngộ độc rượu là truyền bia hoặc rượu chuẩn là bệnh nhân hồi phục".
Cụ thể, theo bác sĩ này, nếu ngộ độc rượu có chứa ethanol, cách thải độc trong điều trị là đặt sonde dạ dày và hút dịch nếu bệnh nhân đến trong vòng 1 giờ và bệnh nhân nôn ít. Nếu bệnh nhân đến muộn hơn mà lại uống lượng nhiều thì cân nhắc hút dịch trong dạ dày ngay.
Trường hợp ngộ độc rượu do có chứa methanol, thuốc dùng điều trị có thể dùng ethanol là loại rượu/bia uống để pha thành rượu đảm bảo nồng độ 20% (1ml chứa 0,16 gram ethanol). Liều dùng ban đầu được tính toán đảm bảo 800mg/kg tương đương 4ml/kg (kg thể trạng của người bệnh - PV) uống hoặc nhỏ giọt qua sonde dạ dày. Sau đó, liều duy trì phụ thuộc tình trạng cụ thể của bệnh nhân.
Trước đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị phối hợp các cơ quan liên quan lấy các mẫu bệnh phẩm để phân tích. Kết quả cho thấy, hàm lượng methanol trong mẫu máu bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc; mẫu máu của bệnh nhân Lê Văn Tửu cũng gấp hơn 6 lần ngưỡng gây ngộ độc. Kết quả kiểm nghiệm mẫu rượu 4 bệnh nhân uống tại bữa tiệc có hàm lượng methanol vượt quá 1.119 lần ngưỡng cho phép. Đây chính là nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng nêu trên.
Liên quan vụ việc, đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng Công an huyện Triệu Phong cho biết, đơn vị này vẫn đang tiến hành điều tra vụ việc bệnh nhân Lê Văn Xược tử vong.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.