Đừng bắt học sinh tuân theo kỷ luật mà chính mình cũng không làm được

Mới đây, tôi có đọc tâm thư của một phụ huynh khi con phải chịu nhiều áp lực từ môi trường giáo dục của một trường dân lập có tiếng ở Hà Nội. Tôi cũng như nhiều bạn trẻ khác cảm thấy vô cùng “bức bối”.

Ai cũng trải qua những năm tháng học trò đầy áp lực. Và rất nhiều người cho rằng học sinh giỏi là phải ngoan, nhu mì, chỉ học không chơi. Không phải vậy, chúng tôi cũng ham vui, theo chúng bạn trốn xuống căng tin ăn giữa giờ, vào học muộn bị cô phạt. Đi học muộn là chuyện không hiếm, có tuần 5 buổi, đến mức bác bảo vệ nhẵn mặt, nhìn thấy chỉ lắc đầu bảo “Lại đi muộn”, rồi mở cổng cho vào. Rồi cũng “buôn dưa lê” trong giờ học, cũng hay bị ghi tên vào sổ đầu bài, chép phao vào tẩy, vào giấy, lên tường, lên bàn, lên lưng bạn đằng trước,…
Tôi đã trải qua những năm tháng học trò với những áp lực về bài tập, điểm số, thành tích. Bạn tôi, cũng có đứa bị bố mẹ la mắng, thậm chí ăn đòn nếu không đạt điểm 10. Nhưng tôi và các bạn tôi may mắn vì thầy cô không quá khắt khe, không khép vào kỷ luật hà khắc, họ có nhắc nhở, nhưng lại bỏ qua, không nhiếc móc cũng không doạ dẫm. Đặc biệt nhà trường không đem những chuyện đó để nhắc nhở phụ huynh, họ chỉ trao đổi việc học nếu thấy cần phụ huynh để ý hơn đến con.
Nhiều người sẽ lo lắng rằng nếu không có cái gốc, không có nền tảng thì trưởng thành sẽ là người khiếm khuyết. Nhưng chúng tôi không thế. Tôi và các bạn bước chân vào giảng đường đại học với ý thức trách nhiệm cao, tự trở thành người lớn. Chúng tôi cũng tự biết cư xử đúng mực, tôn trọng thầy cô. Dồn hết công sức mà nghiên cứu, đọc đủ các tài liệu để hoàn thành bài viết của mình chứ không sao chép của người khác. Thậm chí chúng tôi tự tìm việc làm thêm dù bố mẹ không ép. Chúng tôi tự giác hoàn thành mọi việc, biết phấn đấu đạt điểm số cao vì hiểu nó gắn với hành trang sau này của mình.
Và điều chúng tôi có chính là sự tự tin, dám nghĩ, dám làm.

tin liên quan

Vượt qua áp lực học hành bằng cách nào
Mới đây, một học sinh lớp 9 tại TP.HCM đã phải tìm đến cái chết sau khi bị điểm kém môn tiếng Anh đã khiến nhiều phụ huynh bàng hoàng. Xung quanh chuyện áp lực học tập, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đã có những chia sẻ. 

 

Các cô bác phụ huynh chắc chắn cũng trải qua những năm tháng như chúng tôi, cũng không chắc học giỏi đều các môn nhưng lại muốn con mình giỏi toàn diện. Cách giáo dục gò ép khiến học sinh sợ sệt, không tự tin.
Mới đây, tôi có đọc được tâm thư của một phụ huynh khi con của cô phải chịu nhiều áp lực từ môi trường giáo dục của một trường dân lập có tiếng. Cô chủ nhiệm thường xuyên bắt học sinh viết kiểm điểm vì những lỗi như: đi học muộn, nói chuyện riêng trong lớp, mời phụ huynh lên gặp chỉ vì những lỗi nhỏ đó, thậm chí doạ đuổi học. Học sinh sợ sệt mỗi khi đến lớp, phụ huynh bức xúc mỗi khi thấy con suy sụp. Nếu cứ kéo dài, liệu học sinh có trầm cảm không?
Đồng ý trường phải có nội quy, nhưng tại sao cứ phải cấm đoán các em một cách thái quá thì mới có thể rèn dũa học sinh, mới tạo ra được học sinh giỏi? Gò ép học sinh phải sống theo những nguyên tắc kỷ luật mà nhà trường vẫn tự cho là đúng, để sau 12 năm nhìn lại, trong đầu chẳng có gì ngoài mấy con số vô tri, những bản kiểm điểm chống đối, hay những cuộc gặp phụ huynh căng thẳng?.
12 năm, không phải chỉ là để học văn hóa, mà còn học làm người, học lớn, cũng là 12 năm tranh thủ mà vui chơi, gom góp kỷ niệm. Bởi khi đã trưởng thành, có muốn cũng không kiếm được những kỷ niệm tươi đẹp thời đi học. Còn trẻ thì cứ sống đúng với tuổi trẻ, thích làm gì thì cứ thử, rồi sẽ tự rút kinh nghiệm khi trưởng thành. Ai rồi cũng sẽ tìm ra ở mình một kỹ năng nào đó, đừng bắt bọn trẻ phải hoàn hảo ngay từ những bước đi đầu tiên vì trên đời làm gì có ai mà cái gì cũng giỏi.
Nhân đây, tôi cũng mong các bậc phụ huynh đừng vì sợ cô giáo trù ẻo con em mình mà bắt cả chính mình lẫn con mình phải khom lưng khóc lóc, xin lỗi. Sai phải sửa, là đúng. Nhưng nên xử lý dưới góc độ tâm lý, vì bản thân mỗi bậc phụ huynh hay chính cô giáo cũng từng là học sinh, có khi cũng từng nghịch ngợm không khác gì con em mình. Đừng bao giờ bắt ép chúng phải tuân theo cái mình tự coi là “kỷ luật”, mà có khi bản thân mình cũng chẳng bao giờ tuân theo được cái kỷ luật ấy!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.