Đừng biến kiểm tra định kỳ thành những kỳ thi

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
(thực hiện)
27/12/2023 06:01 GMT+7

PGS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục VN), cho rằng đừng biến kiểm tra định kỳ thành những kỳ thi nhằm giảm nỗi lo học theo thi cử, và cũng đỡ mệt mỏi cho cả giáo viên lẫn học sinh.

Trao đổi với Thanh Niên, PGS Chu Cẩm Thơ bày tỏ không biết từ bao giờ mà đánh giá giữa kỳ được gọi là thi giữa kỳ. "Thi với học sinh (HS) nặng nề làm sao! Thi với giáo viên (GV) cũng nặng nề không kém!", PGS Thơ chia sẻ.

Theo PGS Thơ, đánh giá định kỳ là kết quả giáo dục của HS sau một giai đoạn học tập, rèn luyện, nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của HS so với chuẩn kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục phổ thông. Thế nhưng, lâu nay khi bị biến thành kỳ thi nó đã gây ra khá nhiều "tội lỗi" khiến GV, phụ huynh, HS quá chú trọng, thành ra "thi gì học nấy". "Ma trận" đề thi thế nào, kiểu đề thi thế nào, đề cương ra sao… thì người ta sẽ làm quen, ôn luyện… để cho bằng được kết quả tốt. Nếu không cá nhân thì bị điểm kém, chất lượng của lớp, của trường không cao thì "tội" đâu cho thoát.

Đừng biến kiểm tra định kỳ thành những kỳ thi - Ảnh 1.

Học sinh các cấp đang trong giai đoạn kiểm tra cuối kỳ 1

ĐÀO NGỌC THẠCH

KỲ ĐÁNH GIÁ TƯỞNG KHÁCH QUAN NHƯNG RẤT NẶNG NỀ

Vậy hệ lụy từ việc các phòng GD-ĐT tổ chức thi giữa kỳ với đề chung cho các trường cả một huyện, một quận là gì, thưa bà?

Hiện nay, theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, điểm để đánh giá kết quả học tập của HS THCS được xác nhận bằng các điểm đánh giá thường xuyên (hệ số 1), giữa kỳ (hệ số 2), cuối kỳ (hệ số 3). Nếu các phòng GD-ĐT tổ chức thi cả giữa kỳ, cuối kỳ… thì GV chỉ còn tự chủ đánh giá HS thông qua đánh giá thường xuyên (hệ số 1) mà thôi! Chỉ cần phân tích như vậy thì chúng ta đã thấy tâm lý của GV, của HS là thi thế nào thì sẽ dạy và học như thế.

Chưa kể, việc tổ chức một kỳ thi chung trên quy mô cấp huyện (được coi tương đương quy mô của một kỳ đánh giá diện rộng) rất nhiều "nhiêu khê". Sự nặng nề cũng vì thế mà tăng lên. HS sẽ nghỉ học, sẽ không học theo thời khóa biểu bình thường; sẽ có các bộ phận GV, nhân viên để ra đề, coi thi, chấm thi…

Ngày nay, các đánh giá diện rộng đòi hỏi phải thay đổi phương thức tổ chức như ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số… may ra mới đảm bảo chức năng của một kỳ thi như vậy. Nhưng thực tế, số lượng các địa phương làm được như vậy rất hiếm. Cho nên, một kỳ đánh giá tưởng khách quan nhưng rất nặng nề, thiếu giá trị cho cải thiện chất lượng giáo dục.

Là người làm công việc nghiên cứu về đánh giá giáo dục, đã từng trải những vị trí khác nhau trong một kỳ thi chung, tôi vẫn cảm thấy mệt mỏi cho mỗi kỳ thi như vậy. Nhưng tôi biết chắc chắn, GV, HS mới là những người mệt nhất, cảm thấy sợ nhất từ trước, trong và đặc biệt là sau kỳ thi.

Vòng tròn tác động đau khổ "học để thi" bao giờ sẽ chấm dứt? Ngay khi học ở nhà trường mà mỗi năm học có đến mấy kỳ thi, chưa phải là thích ứng với các kỳ thi lớn của cuộc đời.

NHẦM LẪN ĐÁNH GIÁ ĐỊNH KỲ THÀNH PHÂN LOẠI, TUYỂN CHỌN

Thưa bà, nhiều địa phương khi kiểm tra đánh giá định kỳ tập trung thường cho rằng mục đích là để đánh giá mặt bằng chất lượng chung của HS. Nếu để mỗi trường tự ra đề thì có thể mức độ đề khác nhau sẽ không phản ánh được sát thực chất lượng chung. Điều đó có phù hợp không?

Trước hết, đây không phải kỳ thi có tính tuyển chọn. Các cấp quản lý muốn biết chất lượng giáo dục thực sự thì phải dựa vào cả quá trình. Trong trường hợp này có phải mục tiêu giáo dục THCS là đạt chuẩn vào lớp 10 hay không? Công tác phân luồng sẽ ra sao? Những HS không muốn vào lớp 10 được đánh giá thế nào, chất lượng của việc đó ra sao?

Tinh thần đổi mới kiểm tra, đánh giá từ nhiều năm nay đó là đánh giá gắn liền với giảng dạy, là một khâu của quá trình giáo dục, cung cấp thông tin để điều chỉnh phương pháp dạy học chứ không chỉ "xác nhận kết quả học tập của HS". Chính vì vậy, GV được trao quyền và cần được bồi dưỡng để họ có năng lực đánh giá, để họ đánh giá HS ngay trong quá trình giảng dạy và cả đánh giá định kỳ.

Ấy vậy mà đến năm nay, năm thứ tư chính thức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, không ít phòng GD-ĐT vẫn tổ chức thi giữa kỳ bằng đề thi chung cho cả huyện/quận. Xét trên bình diện chức năng, nhiệm vụ của một đơn vị quản lý và ý nghĩa của hoạt động giáo dục, tôi cho rằng đây là hoạt động quản lý không cần thiết, có phần lạm quyền trong bối cảnh này. Ở phạm vi phòng GD-ĐT, chỉ nên đánh giá định kỳ 1 năm/lần/lớp HS, ưu tiên những lớp cuối cấp.

Đừng biến kiểm tra định kỳ thành những kỳ thi - Ảnh 2.

PGS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục VN)

NVCC

Đề thi, kiểm tra trên diện rộng cần tuân thủ những nguyên tắc ra đề thế nào? Theo quan sát của bà thì lâu nay các phòng GD-ĐT khi tổ chức kiểm tra giữa kỳ với đề chung đã đảm bảo được việc chuẩn hóa trong công tác ra đề chưa?

Theo quy định, các kỳ đánh giá trên diện rộng (được tổ chức quy mô cấp huyện, cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế) với hàng nghìn HS tham gia cần tuân thủ các yêu cầu rất nghiêm ngặt với các câu hỏi, đề thi phải được định chuẩn, khách quan, tập trung vào đáp ứng chuẩn của chương trình. Việc tổ chức các đánh giá định kỳ tập trung ở cấp phòng/sở được coi như tương đương với kỳ đánh giá diện rộng về quy mô.

Để làm được điều này, thực tiễn, các đơn vị tổ chức thường thực hiện như sau: thành lập ban tổ chức, trong đó có tổ ra đề, tổ thẩm định, các hội đồng coi thi, chấm thi…; tổ chức thi, tương ứng mỗi trường có một hội đồng thi, có xếp số báo danh, rọc phách, tạo phòng thi, phân HS theo phòng, chấm chéo.

Tuy nhiên, tôi chưa từng được tiếp xúc với một đánh giá chất lượng của kỳ thi nào được các cơ quan tổ chức kỳ thi công bố. Tôi thường nhận được những thông tin phản ánh: đề thi không tốt như mong đợi (có những đề thi bị lên mặt báo, do có những câu không đạt chất lượng, bị lộ đề…); về kết quả chưa khách quan (chẳng hạn, GV phản ánh chấm chéo bị sai lệch hoặc điểm quá cao, quá thấp… so với thực tế của một số HS nào đó). Những phản ánh đó mang tính hiện tượng, như thế càng đòi hỏi mỗi kỳ đánh giá như vậy phải được đánh giá chất lượng khách quan, khoa học; vì ảnh hưởng đến hàng nghìn người học, người dạy không bao giờ là chuyện nhỏ.

Bồi dưỡng GV, đánh giá đúng năng lực HS

Vấn đề quan trọng là làm thế nào để hạn chế những kỳ thi trên diện rộng mà chất lượng dạy học giữa các nhà trường vẫn đảm bảo? PGS Chu Cẩm Thơ cho rằng để tiến hành thành công những mục tiêu mới nhân văn, hiện đại mà chúng ta mong đợi thì đâu chỉ cần nỗ lực đổi mới việc dạy, việc học của GV và HS, mà cần những nhà quản lý ở cơ sở thay đổi; cụ thể là việc sử dụng hiệu quả những công cụ quản lý chất lượng cho đúng, có ý nghĩa.

Như trên đã nói, cần bồi dưỡng, giúp đỡ GV để họ có năng lực đánh giá người học; tạo môi trường dạy học để việc đánh giá được thực thi đúng, song hành với giảng dạy. Đồng thời, cần tận dụng tối đa các kết quả khoa học, nhất là công nghệ để làm cho mỗi kỳ thi này bớt đi sức ép, đạt được tính phổ dụng, khách quan.

Các đánh giá định kỳ cần được sử dụng đúng thời điểm và đúng cách với bối cảnh giáo dục, tránh lạm dụng. Làm sao để các thông tin thu được từ đánh giá người học trước hết thực hiện chức năng sư phạm của nó, đó là phản hồi lại việc dạy, việc học; giúp mỗi đối tượng liên quan đều nhận ra sự cần thiết để điều chỉnh; đánh giá đúng năng lực người học bằng các phương thức tốt là "bánh lái ngược" cho sự vận hành giáo dục. Như vậy mới tạo ra môi trường để GV được yên tâm dạy, học trò hào hứng học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.