Theo báo cáo của Tỉnh ủy An Giang, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, cơ sở vật chất giáo dục của tỉnh chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu dạy và học. Nhiều đơn vị chưa đủ phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày, đặc biệt là ngành học mầm non còn thiếu cơ sở để mở thêm lớp; phương tiện dạy học, sân chơi, bãi tập ở một số trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia còn thấp và tốc độ tăng khá chậm, chỉ đạt 50,86%.
Trong thực hiện chương trình GDPT 2018, địa phương dự kiến phân kỳ thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 7.201 tỉ đồng. Tuy nhiên, do kinh phí lớn, tỉnh khó có thể cân đối được một lần nên sau khi rà soát các nhu cầu tối thiểu, trước mắt chỉ phân bổ được hơn 996 tỉ đồng.
Qua khảo sát, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao nỗ lực của tỉnh An Giang trong việc thực hiện Nghị quyết 29. Theo ông Sơn, nét nổi bật của tỉnh là chất lượng giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ĐBSCL. Thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang cần tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Tỉnh phải có lộ trình đầu tư cụ thể để đẩy nhanh xây dựng hệ thống cơ sở, vật chất giáo dục hiện đại…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu quan trọng, then chốt nên từng cán bộ giáo viên phải thấy được nhu cầu, định hướng đổi mới. Vai trò giáo viên chuyển mạnh từ gánh nặng kiến thức sang người dẫn dắt, tổ chức, định hướng và hỗ trợ để trang bị tối đa kiến thức theo nhu cầu, phát triển năng lực học sinh.
Bình luận (0)