Đừng bỏ lỡ cơ hội

30/05/2018 05:04 GMT+7

Đầu tư trái ngành, dàn trải dẫn đến thua lỗ, nợ nần; lãnh đạo quản lý có người đã phải vào tù vì thiếu trách nhiệm, tham nhũng, lãng phí... Đây là những “ấn tượng” mà doanh nghiệp nhà nước để lại trong thời gian qua.

Và theo dõi kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011 - 2016 được các đại biểu thảo luận tại Quốc hội hôm 28.5 cho thấy, hiện trạng cũng không khác với báo cáo giám sát năm 2009 là mấy.
Các tồn tại vẫn là: chưa “triệt để” tách chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước; chưa tách bạch thực hiện quyền chủ sở hữu và quyền chủ động kinh doanh của DN... Đặc biệt, việc cơ cấu lại DNNN chậm; ngay cả việc xử lý đối với tổng công ty, công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhiều năm, không có khả năng phục hồi cũng rất rất chậm.
Phải thừa nhận, DNNN có mặt tại hầu hết các lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế, đóng góp hơn một nửa doanh thu trong bảng tổng sắp 500 DN lớn nhất VN. Nhưng bức tường định kiến đối với “con cưng” DNNN là có thật, nó xuất phát từ chính tình trạng tham nhũng, bè phái, thua lỗ, không hiệu quả của khối này.
Sự thực thì, nhà nước bắt đầu nhìn nhận các vấn đề của DNNN và yêu cầu cần sắp xếp, đổi mới DNNN mà trọng tâm là cổ phần hóa từ cách đây hơn 20 năm. Nhưng chúng ta cũng đã bỏ lỡ nhiều cơ hội cải cách, trước khi nó bị biến từ “niềm tự hào” trở thành định kiến ám ảnh. Sau Nghị quyết T.Ư 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, với giám sát lần này, hy vọng Quốc hội ý thức đầy đủ trách nhiệm để không bỏ lỡ cải cách thêm một lần nào nữa.
Sau những phát biểu khá thẳng thắn của các đại biểu trên diễn đàn ngày hôm qua, hy vọng Quốc hội sẽ không dừng lại ở một nghị quyết giám sát chung chung như vốn có.
Nguyên nhân sâu xa các căn bệnh của DNNN nằm ở chế độ sở hữu, Quốc hội nên giao cho một cơ quan thực hiện chức năng chuyển đổi sở hữu các DNNN thay vì từng ngành và từng DN thực hiện như hiện tại.
Các điểm yếu của DNNN cũng rất khó khắc phục bằng khuôn khổ luật pháp. Bởi vì, bản thân người được giao nhiệm vụ quản lý (tại DN và bộ ngành) không muốn đề ra những quy định chặt chẽ để có thể dễ dàng chiếm hữu cho riêng mình hoặc DN của mình. Vì vậy, giải pháp triệt để nhất là phải đặt DNNN trong môi trường cạnh tranh bình đẳng với tư nhân. Xóa bỏ chế độ chủ quản, vừa giúp giải phóng các DNNN khỏi các can thiệp hành chính gây phiền hà của các cơ quan công quyền vào hoạt động kinh doanh, mặt khác lại xây dựng được một môi trường kinh doanh bình đẳng và thân thiện với mọi chủ thể kinh doanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.