Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) vừa thông tin về những điều thú vị về các thiên thể trên bầu trời tháng 4 mà người yêu thiên văn có thể tham khảo.
Mặt Trăng và nhóm sao Teapot (ngày 2.4)
Vào rạng sáng ngày 2.4, trăng tàn sẽ ghé thăm nhóm sao Teapot của "chàng cung thủ" Sagittarius (Nhân Mã). Chúng sẽ mọc lên từ sau nửa đêm ở hướng đông và xuất hiện cao tại khu vực này khi bình minh đến.
Mặt trăng cũng sẽ đạt đến pha trăng hạ huyền vào lúc 10 giờ 15 phút cùng ngày. Vào thời điểm này trong chu kỳ pha hàng tháng, vệ tinh này dường như được chiếu sáng gần như chính xác một nửa đĩa sáng khi quan sát từ trái đất.
Mặt trăng nằm gần sao Hỏa và sao Thổ (ngày 6 - 7.4)
Vào buổi sáng trước lúc bình minh ngày 6 và 7.4, mặt trăng lưỡi liềm mỏng sẽ lơ lửng gần sao Hỏa và sao Thổ. Chúng tạo thành tam giác tạm thời ngay phía trên bầu trời hướng đông. Cả ba sẽ xuất hiện trên bầu trời khoảng 30 đến 45 phút trước khi mặt trời mọc.
Mặt trăng sẽ tiến đến gần sao Hỏa nhất trên bầu trời tháng này vào lúc 12 giờ 22 phút ngày 6.4 ở khoảng cách 1°45′. Khoảng 5 tiếng sau đó, vệ tinh này cũng ghé thăm sao Thổ ở khoảng cách 1°04′. Do vậy, nếu dậy sớm vào ngày 6 và 7, bạn sẽ được chiêm ngưỡng bộ ba này tỏa sáng rực rỡ cùng nhau. Độ sáng biểu kiến của sao Hỏa và sao Thổ lúc này lần lượt là 1,2 và 1,0.
Trăng mới tháng 3 âm lịch (ngày 9.4)
Trăng mới tháng 3 âm lịch sẽ diễn ra vào lúc 1 giờ 21 phút ngày 9.4. Mặt trăng sẽ nằm gần mặt trời trên bầu trời và bị nhấn chìm trong ánh sáng chói chang từ ngôi sao này trong vài ngày.
Vào giai đoạn này, trái đất, mặt trăng và mặt trời gần như nằm thẳng hàng với nhau theo thứ tự này. Chúng ta nhìn thấy gần như chính xác bán cầu không được chiếu sáng của mặt trăng khiến nó trở nên vô hình.
Mặt trăng nằm gần sao Mộc và cụm sao Thất Nữ (ngày 10 - 11.4)
Vào các buổi tối ngày 10 và 11.4, trăng lưỡi liềm đầu tháng sẽ ghé thăm hành tinh sáng sao Mộc ngay trên bầu trời phía tây còn vương lại chút ánh chiều tà cuối ngày. Bạn cũng sẽ tìm thấy cụm sao Pleiades (Thất Nữ) nhỏ xíu nằm gần đó.
Giao hội giữa sao Hỏa và sao Thổ (ngày 11.4)
Sao Thổ và sao Hỏa sẽ đi qua nhau vào lúc 10 giờ 11 phút sáng ngày 11.4. Vào sáng ngày này, nếu thức dậy sớm, bạn có thể nhìn thấy cặp đôi này nằm rất gần nhau trên bầu trời hướng đông ngay trước khi mặt trời mọc.
Sao Thổ sẽ tỏa sáng với độ sáng biểu kiến là 1,0, trong khi độ sáng biểu kiến của sao Hỏa là 1,2. Cả hai cùng nằm trong chòm sao hoàng đạo Aquarius (Bảo Bình). Cả hai rất dễ dàng nhận ra vì sự tương phản màu sắc thú vị của chúng. Sử dụng một chiếc ống nhòm sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ nét hơn về màn giao hội này.
Sao Thủy ở vị trí giao hội trong với mặt trời (ngày 12.4)
Sao Thủy sẽ đi qua rất gần mặt trời trên bầu trời khi quỹ đạo của nó đưa hành tinh này đi qua giữa trái đất và mặt trời. Điều này xảy ra một lần trong mỗi chu kỳ giao hội kéo dài trung bình 116 ngày và đánh dấu sự kết thúc trong giai đoạn xuất hiện trên bầu trời buổi tối của sao Thủy. Trong vài tuần tới, hành tinh này sẽ xuất hiện cao dần trên bầu trời buổi sáng cho tới khi đạt vị trí ly giác cực đại.
Tại thời điểm gần nhất, sao Thủy sẽ xuất hiện cách 2°13′ so với mặt trời khiến nó hoàn toàn biến mất trong khoảng một tuần do bị lu mờ bởi ánh sáng chói chang từ ngôi sao này.
Trăng thượng huyền tháng 3 âm lịch (ngày 16.4)
Trăng thượng huyền tháng 3 âm lịch sẽ diễn ra vào lúc 2 giờ 13 phút rạng sáng ngày 16.4. Mặt trăng sẽ mọc lên vào lúc giữa trưa theo giờ địa phương, lên cao nhất khi mặt trời lặn và lặn đi vào lúc nửa đêm.
Vào thời điểm mặt trăng đạt pha thượng huyền lần này, nó sẽ ở cách chúng ta 395.000 km trong khu vực của chòm sao Gemini (Song Tử).
Trăng tròn tháng 3 âm lịch (ngày 24.4)
Mặt trăng sẽ được chiếu sáng đầy đủ nhất vào lúc 6 giờ 48 phút ngày 24.4. Vào thời điểm này trong tháng, bạn có thể nhìn thấy vệ tinh này trong suốt đêm, nó mọc lên vào lúc hoàng hôn và lặn đi vào khoảng bình minh.
Lần trăng tròn diễn ra vào tháng 4 dương lịch hàng năm còn được gọi là Trăng Hồng. Cái tên này được phổ biến trong những thập kỷ gần đây, có nguồn gốc cổ xưa từ các bộ lạc bản địa.
Bình luận (0)