Đừng chống dịch kiểu cực đoan

24/11/2021 04:55 GMT+7

Việc một số hàng quán ở Đà Lạt treo bảng “Không bán cho khách du lịch - xin thông cảm” , gây bức xúc dư luận những ngày qua.

Như Thanh Niên thông tin, dọc theo nhiều tuyến đường ở Đà Lạt những ngày qua xuất hiện các bảng như “Không bán cho khách du lịch - xin thông cảm”, “Do tình hình dịch phức tạp, quán hạn chế đón khách ngoài tỉnh - Xin lỗi vì sự bất tiện này”...

Một chủ quán thổ lộ, họ rất phấn khởi khi được mở quán kinh doanh sau thời gian tạm ngưng để phòng chống dịch Covid-19, nhưng chẳng may có du khách từ nơi khác đến vào quán nhiễm Covid-19 thì cả nhà “liên lụy” trở thành F1, F2 phải đi cách ly tập trung, rất phiền phức.

Những bảng hiệu làm buồn lòng du khách

Lâm Viên

“Thấy buồn và tổn thương”

Dù chia sẻ với nỗi lo dịch bệnh của người dân địa phương nhưng nhiều du khách khi đọc những tấm bảng như trên cho biết “thấy rất buồn”, “rất chạnh lòng”... “Có cảm giác bị phân biệt ngay trên đất nước mình”…

Trong khi đó, nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cũng bày tỏ không đồng tình cách đối xử với du khách như vậy, đặc biệt là người đến từ TP.HCM. “Dịch bệnh, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe là đúng nhưng không vì thế mà hành xử thái quá, tiêu cực, mất hết tình đồng bào. Dân mình có truyền thống hạt muối chia đôi... Tôi là dân Sài Gòn nửa mùa nhưng đọc xong mà thấy xót xa”, BĐ Trong Khanh ý kiến.

Covid-19 sáng 24.11: Cả nước 1.143.967 ca | Những lưu ý đặc biệt cho F0 cách ly tại nhà

Tương tự, BĐ Minh Anh viết: “Đọc mà xót xa quá! Dịch bệnh là yếu tố khách quan, tại sao lại phải kỳ thị nhau như thế? Ngày trước các hàng quán cứ thấy người Sài Gòn đến là tiếp đãi nồng hậu, bây giờ lại xa lánh, từ chối họ. Biết là mọi người đang lo cho sự an toàn của chính mình, nhưng việc gì cũng phải dựa trên lý - tình, khoa học. Cứ cái suy nghĩ cực đoan thế này thì làm sao có thể phục hồi kinh tế sau dịch được, chưa kể làm tổn thương người khác”.

Theo BĐ Ngọc Hân, dù chỉ số ít hộ kinh doanh tự phát có tâm lý như vậy, nhưng lại gây hậu quả không nhỏ. “Việc này gây ra những tổn thương sâu sắc cho người dân ở các nơi khác nói chung, người Sài Gòn nói riêng khi tới đây. Đọc xong nghẹn lòng. Một sự kỳ thị, cách làm cứng nhắc không cần thiết...”, BĐ này ý kiến. Còn BĐ Tran Thung viết: “Chiến lược cách ly triệt để và zero Covid mang lại những hệ quả như thế này đây. Kết quả xét nghiệm âm tính 3 lần và 2 mũi tiêm chủng không còn là cơ sở cho niềm tin của người dân khi tinh thần lo sợ quá mức chiếm lĩnh họ...”.

Cần thay đổi, thích ứng an toàn với dịch

Nhiều ý kiến cho rằng Đà Lạt nói riêng, cả nước nói chung đã vào trạng thái bình thường mới, vì vậy cần có cái nhìn đúng về dịch để phòng chống dịch hiệu quả, thích ứng an toàn với Covid-19, không nên cực đoan, quá sợ hãi. “Nâng cao ý thức trong giai đoạn bình thường mới là đúng, vì dịch vẫn có thể bùng lại bất kỳ lúc nào. Chúng ta không chủ quan nhưng đừng quá sợ hãi, cực đoan như vậy. Đã gọi là thích ứng an toàn với dịch mà cứ né tránh, kỳ thị những người về từ vùng dịch dù họ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, xét nghiệm âm tính thì không nên, chưa kể việc này cũng ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế. Cứ như thế thì đến bao giờ cuộc sống bình thường trở lại?”, BĐ Anh Tú ý kiến.

Đồng quan điểm, BĐ Trần Lộc viết: “Chính quyền phải thay đổi biện pháp chống dịch, zero Covid đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, cần có biện pháp tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu phòng chống dịch đúng cách, thay vì cứ có tâm lý sợ hãi, kỳ thị đau lòng nhau như vậy. Dịch bệnh rình rập ở khắp mọi nơi, đâu riêng gì người về từ Sài Gòn mà lại hành xử như vậy. Đọc những thông tin này mà thấy buồn lòng”.

“Đa số du khách đều đã tiêm vắc xin, tuân thủ quy định 5K, khi đến nơi thì khai báo y tế, được test Covid-19... Cơ bản đáp ứng được yêu cầu phòng dịch, vì vậy không nên có thái độ khắt khe với họ như thế. Tôi tin có thể do người dân chưa hiểu nên sợ. Cần tuyên truyền, giải thích cho họ hiểu và thay đổi để cùng sống thích ứng an toàn với Covid-19”, BĐ Hữu Nhân ý kiến.

Đọc, nghe và thấy kiểu như vậy thật buồn!

Chau Khoa

Không nên cực đoan hóa. Hãy chống dịch thông minh, tập trung vào ca nặng và hạn chế tử vong, chứ không phải zero Covid.

T.Thanh

Việc phòng bệnh cho bản thân là điều có thể thông cảm, nhưng đâu đến mức lộ rõ thái độ kỳ thị như vậy. Dịch bệnh mang những tấm lòng thiện nguyện đến gần nhau, nhưng cũng khiến tình người dần có khoảng cách.

Thanh Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.