Là đều phải bỏ tiền của ra để chuẩn bị, chứ đâu phải cứ nói làm là làm được đâu. Vật tư, nguyên liệu, nhân công, chi phí vận hành, tất cả đều tính bằng tiền, đều phải bỏ nguồn lực ra mới có. Mà nỗi lo phong tỏa, cách ly vẫn còn đó. Lỡ đâu vừa mới cố gắng khởi động lại với cả mớ tiền thì bỗng dưng khu vực sở tại lại bị đóng cửa, bị phong tỏa vì có ca F0. Các cơ hội thương trường đóng lại, và doanh nghiệp lâm cảnh sức cùng lực kiệt, chết đi chết lại thì chắc chắn sẽ là chết thật.
Cứ kiểu chống dịch thiếu nhất quán, mỗi nơi áp quy định mỗi kiểu thì doanh nghiệp rơi vào thế hồi hộp vô kể. Quan điểm chung, chủ trương chung thì đã nêu rồi, là phải can đảm bước vào “bình thường mới”, không chủ quan, không khinh suất trong mục tiêu phòng chống và kiểm soát dịch, nhưng cũng không tùy tiện áp đặt các phương án phong tỏa, cách ly diện rộng đẩy hoạt động doanh nghiệp và cuộc sống người dân vào thế cùng kiệt.
Chúng ta cần một chữ K nữa cho ứng phó chống dịch Covid-19 trong giai đoạn “bình thường mới” bên cạnh công thức 5K.
Đó là chữ K - Kinh tế. Thử nhìn lại những gì mà chúng ta đã trải qua trong đợt dịch thứ 4 vừa qua và những bài học phải được rút ra từ đó. Các phản ứng chống dịch quá cực đoan kiểu phong tỏa toàn bộ, cách ly tập trung trên thực tế đã gây quá tải không chỉ cho hệ thống y tế, cho hệ thống chống dịch mà còn gây đình trệ kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Một trong 10 bài học kinh nghiệm được Sở Y tế TP.HCM rút ra sau đợt dịch thứ 4: cách ly F0 để ngăn chặn lây lan là cần thiết, nhưng không nhất thiết phải cách ly tập trung, chỉ cách ly tập trung khi không đủ điều kiện cách ly tại nhà. Đó chỉ mới là góc nhìn y tế. Còn ở góc nhìn kinh tế, bài học còn chua xót hơn. Chúng ta “đánh sập” nhiều hoạt động kinh tế chỉ vì thiếu cân nhắc về giải pháp cách ly tập trung, phong tỏa diện rộng.
Chỉ sợ là các địa phương cứ lặp lại “vết xe” của đợt dịch thứ 4 vừa rồi. Vẫn cứ là hoảng hốt khi có ca F0 cộng đồng rồi vội vàng áp đặt phong tỏa, cách ly tập trung cả nghìn người. Thế là lây thêm lây vì cách ly tập trung, thế là đuối thêm đuối vì nguồn lực chống dịch nhanh kiệt quệ, mà khổ càng thêm khổ vì nhiều người mất sinh kế, nhiều doanh nghiệp “chết lâm sàng”.
Chúng ta có đủ giàu để đóng cửa nền kinh tế dài dài không? Chúng ta có hiểu rõ về hậu quả của việc đóng cửa kinh tế dài dài không? Mở cửa để phục hồi kinh tế đi kèm không lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch; nhưng không thể để có thêm những “cái chết” khác vì cách phản ứng đầy sợ hãi với ca F0 theo kiểu cách ly tập trung, phong tỏa diện rộng.
Bình luận (0)