Đừng ảo tưởng

Quý Hiên
Quý Hiên
31/10/2021 05:47 GMT+7

Không phải là lần đầu tiên những người quan tâm tới GD ĐH nước nhà mừng “hơi quá” trước các “thành tựu vượt bậc” của các cơ sở GD ĐH hoặc của cá nhân một số nhà nghiên cứu

Thông tin trong bài viết Thực hư danh sách 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới đăng trên Báo Thanh Niên ngày 30.10 đã mang đến sự chưng hửng cho không ít người, bởi trước đó họ đã thực lòng hồ hởi chia vui với những nhà khoa học trong nước được 'vinh danh'.

Không chưng hửng sao được, bởi ngay cả những giáo sư có uy tín về chuyên môn, hoặc có vị thế xã hội cao, cũng chân thành thổ lộ niềm vui, niềm xúc động, niềm tự hào, khi có tên trong danh sách! Có giáo sư còn chia sẻ: “Hãy tưởng tượng xem, nếu như không có ai được xướng danh trong xếp hạng này thì có đáng buồn cho đất nước mình không? Các bạn trẻ có nỗ lực công bố rất xuất sắc mà không được ai đánh giá ghi nhận biết bao giờ mới thành danh được, và giáo dục đại học (GD ĐH) và khoa học VN liệu có động lực để phát triển?”.

Đây không phải là lần đầu tiên những người quan tâm tới GD ĐH nước nhà mừng “hơi quá” trước các “thành tựu vượt bậc” của các cơ sở GD ĐH hoặc của cá nhân một số nhà nghiên cứu. Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên (theo lịch hoạt động của một số tổ chức kinh doanh đánh giá GD), truyền thông lại hoan hỉ loan tin trường nọ trường kia được vào tốp nọ tốp kia thế giới; nhà khoa học A, B được vào tốp 1 - 2% nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới… Mấu chốt của câu chuyện này nằm ở chỗ thiếu kiểm chứng trước một số nguồn tin. Trong khi đó, một số cơ sở GD ĐH và một số chuyên gia lại có nhu cầu được “tuyên truyền”, thậm chí có chiến lược đánh bóng tên tuổi thông qua các đánh giá “quốc tế” để việc lấy lòng tin của dư luận xã hội (thông qua báo chí) được dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, dư luận xã hội không đáng trách, mà đáng trách ở những người trong cuộc (và cả một số chuyên gia nghiên cứu sâu về đánh giá GD, vì đã không kịp thời dùng chuyên môn của mình để giúp dư luận xã hội nhận thức đúng vấn đề). Bởi các đánh giá bằng phương pháp định lượng trong GD, đặc biệt là GD ĐH và nghiên cứu khoa học, thì rất phức tạp với chằng chịt các quy tắc và các thông số. Nhận định về bản chất của những đánh giá này khó khăn ngay cả với những người làm GD và nghiên cứu, nói chi đến những người bình thường!

Hơn nữa, như trong một bài viết đăng trên Báo Thanh Niên vào tháng 8.2020, GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học VN, cũng từng nhận xét trong đánh giá khoa học, việc dựa vào các hệ thống thông qua chỉ số ảnh hưởng IF của WoS của Scopus hay các hệ thống đánh giá ĐH THE, QS, ARWU…, mới nghe tưởng như khách quan, nhưng thực ra không phải lúc nào cũng chính xác và rất dễ ngụy tạo (vì đều đánh giá chất lượng nghiên cứu hay đào tạo thông qua những con số).

Nhưng các đơn vị GD ĐH đã tham gia vào các chương trình đánh giá ngoài chắc chắn sẽ biết vị trí thực sự của mình ở đâu. Cá nhân các nhà khoa học nếu đã tiếp xúc, làm việc nhiều với các nhà khoa học đẳng cấp thế giới trong lĩnh vực mình, cũng sẽ thực sự biết mình là ai. Nếu không phải muốn tự ru mình, hoặc không vì muốn lòe bịp người học, chắc chắn sẽ không dựa vào những con số thật ra rất ít ý nghĩa để mà khoe khoang.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.