Dùng công cụ hỗ trợ vào mục đích cá nhân là sai

14/04/2015 06:53 GMT+7

Ngày 13.4, một cán bộ có trách nhiệm của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) cho biết về vụ việc ông Trần Thái Hòa - Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) gí súng bắn đạn cao su vào nữ nhân viên điều hành taxi Mai Linh.

Ngày 13.4, một cán bộ có trách nhiệm của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) cho biết về vụ việc ông Trần Thái Hòa - Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) gí súng bắn đạn cao su vào nữ nhân viên điều hành taxi Mai Linh.
Theo đó, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát đã nắm thông tin này.
Phải xử lý nghiêm
Về việc súng được cấp cho tổ chức tại một địa phương nhưng cá nhân mang ra ngoài tỉnh để sử dụng thì đúng hay sai, vị cán bộ trên cho biết ông Hòa vừa là phó tổng giám đốc, kiêm phụ trách bộ phận bảo vệ, an ninh của ngân hàng nên đã được chi nhánh ngân hàng này bàn giao súng để sử dụng.
Tuy nhiên ông cũng khẳng định: “Cơ quan chức năng cấp giấy phép cho chi nhánh VietABank sử dụng công cụ hỗ trợ là nhằm mục đích bảo vệ các chuyến hàng đặc biệt (vận chuyển tiền - vật quý), việc sử dụng này không chỉ ở mỗi tỉnh An Giang, nhưng ông Hòa đã sử dụng vào mục đích cá nhân là sai và phải xử lý nghiêm”. Vì thế, dù thẩm quyền việc xử lý hành vi của ông Hòa thuộc Công an TP.HCM, nhưng Công an tỉnh An Giang cũng phải rà soát lại việc quản lý sử dụng công cụ hỗ trợ tại chi nhánh ngân hàng này.
Cần chấn chỉnh
Theo pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, người được giao công cụ hỗ trợ phải sử dụng đúng mục đích, quy định; bàn giao lại công cụ hỗ trợ cho người có trách nhiệm quản lý, bảo quản sau khi kết thúc nhiệm vụ hoặc hết thời hạn được giao. Đặc biệt, khi mang, sử dụng công cụ hỗ trợ phải mang giấy phép sử dụng theo quy định của pháp luật. Người được giao bảo quản công cụ hỗ trợ phải có chứng chỉ chuyên môn về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ và nắm vững nội quy, chế độ quản lý, bảo quản công cụ hỗ trợ.
Theo điều 33 của pháp lệnh nói trên, người được giao công cụ hỗ trợ khi thi hành công vụ được sử dụng trong các trường hợp: Ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người khác; Bắt giữ người theo quy định của pháp luật; Thực hiện phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật.
Nghị định 167/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, quy định phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng đối với một trong các hành vi: cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp công cụ hỗ trợ; sử dụng các loại công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả; Giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn sử dụng...
Theo vị cán bộ trên, do đặc thù thường xuyên phải vận chuyển các chuyến hàng đặc biệt nên các ngân hàng được cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ, “Qua vụ việc vừa rồi, chúng tôi sẽ tham mưu lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và Bộ Công an có văn bản để rà soát, chấn chỉnh lại việc quản lý sử dụng công cụ hỗ trợ trong toàn bộ hệ thống ngân hàng để không xảy ra sự việc tương tự”, vị này nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.