Intel đang hợp tác với Tổ chức Michael J.Fox trong nỗ lực tìm ra hướng tiếp cận mới để điều trị bệnh Parkinson, và lần này tận dụng ưu điểm của các thiết bị đeo được.
|
Ngoài chứng Alzheimer, Parkinson là căn bệnh rối loạn thoái hóa thần kinh phổ biến thứ hai trên thế giới, gây ảnh hưởng đến 1:100 người ở độ tuổi trên 60.
Căn bệnh này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1817 nhờ công của bác sĩ James Parkinson, và đáng buồn là kể từ đó hầu như cách thức điều trị vẫn chưa có hướng đột phá. Phẫu thuật, dùng thuốc, biện pháp chăm sóc có thể giúp giảm bớt triệu chứng, nhưng vẫn chưa có cách điều trị tận gốc.
Bên cạnh đó, các cuộc nghiên cứu cũng cho thấy caffeine được cho là có thể ngăn chặn được bệnh tật. Dù bất cứ dưới dạng nghiên cứu nào, việc theo dõi quá trình bệnh tật trong thời gian qua vẫn không cung cấp đủ dữ liệu cần thiết để các chuyên gia có thể đưa ra được bước ngoặt mới trong nỗ lực điều trị. Đó là lý do Intel quyết định bắt tay với Tổ chức Michael J.Fox (MJFF) để đẩy mạnh quy trình thu thập dữ liệu: dùng thiết bị đeo được.
Dựa trên những yếu tố rất khác nhau có liên quan đến triệu chứng Parkinson, từ tốc độ di chuyển, tần số và cường độ co giật, ảnh hưởng đến giấc ngủ và nhiều yếu tố khác, các triệu chứng của căn bệnh này rất khó theo dõi. Thông thường, dữ liệu được thu thập thông qua nhật ký của bệnh nhân, có nghĩa là một quá trình diễn ra khá chậm chạp.
Trong khi đó, các thiết bị đeo được, như đồng hồ thông minh, không những đẩy nhanh tốc độ thu thập dữ liệu mà còn phát hiện được tần số biến thiên của các yếu tố so với nhật ký ghi bệnh. Theo ước tính, đồng hồ thông minh cho phép ghi nhận đến khoảng 300 dữ liệu quan sát trong mỗi giây và thu thập đến 1 GB dữ liệu mỗi ngày. Từng dữ liệu được lưu lại và theo dõi ngay lập tức, cung cấp thông tin chính xác nhất cho các nhà nghiên cứu và bác sĩ điều trị. Trong vài tháng tới, MJFF thậm chí còn lên kế hoạch triển khai ứng dụng di động, nhằm bổ sung tác dụng của thuốc sau khi uống, và cho phép từng bệnh nhân ghi lại cảm giác của họ một cách dễ dàng.
Để thu thập và quản lý khối lượng dữ liệu khổng lồ trên, tất cả thông tin đều được tải lên nền tảng mây điện toán, và có khả năng chú ý đến từng thay đổi trong thời gian thực tế. Điều này cung cấp cơ hội để các nhà nghiên cứu theo dõi những thay đổi về triệu chứng ở bệnh nhân. Trong khi thiết bị đeo được vẫn chưa phải là cỗ máy như trong các phim khoa học viễn tưởng giúp áp chế bệnh tật, nhưng chúng có thể đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm phương pháp trị liệu tốt nhất cho những người mắc Parkinson, từ đó giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực về mặt xã hội.
Tụ Yên
>> Quế trì hoãn Parkinson
>> Đi bộ cải thiện vận động ở bệnh nhân Parkinson
>> Dùng Google Glass hỗ trợ bệnh nhân Parkinson
>> Dấu hiệu bệnh Parkinson
>> Bệnh Parkinson
Bình luận (0)