Đó là anh Trần Văn Xuất ở tổ 95, P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng. Anh nhập ngũ đầu năm 1984 và liên tục gắn bó với nhiệm vụ bảo vệ biển đảo cho đến khi xuất ngũ. Đơn vị anh Xuất đóng tại đảo Trường Sa Đông, thuộc Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân.
|
Sau khi xuất ngũ, anh Xuất theo học nghề điêu khắc đá, rồi đi làm công cho một cơ sở đá mỹ nghệ. Anh miệt mài tìm tòi, học hỏi, nâng cao kỹ năng chế tác và chắt chiu, dành dụm từng đồng, bền bỉ vượt khó. Đầu năm 1999, anh mở cơ sở sản xuất kinh doanh đá mỹ nghệ. Với sự lanh lẹ, tháo vát, tay nghề tinh xảo và hết sức quan tâm đến người lao động, anh thu hút được nhiều thợ giỏi. Khách hàng trong nước và nước ngoài đến với anh ngày càng nhiều. “Mình phải nghĩ ra nhiều mẫu hàng đẹp, làm ra nhiều sản phẩm sắc sảo, ấn tượng mới thu hút được khách hàng”, anh Xuất chia sẻ. Vợ anh, chị Phan Thị Ánh, vốn là một cô gái bán hàng lưu niệm trên núi Non Nước, ngày ngày tảo tần cùng anh trên con đường lập nghiệp.
Đầu năm 2008, anh chị mua tiếp 7.000 m2 đất, xây dựng cơ sở 2. Với hai cơ sở sản xuất kinh doanh đá mỹ nghệ, vợ chồng anh Xuất đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Đội ngũ nhân viên bán hàng gần 30 người, người nào cũng biết từ 1-3 ngoại ngữ. Sản phẩm có hàng ngàn chủng loại. Nào cây, cá, chim, thú, ly, tách, bàn, ghế, tủ, giường, bình, lọ, chậu, thau, tượng Phật, tượng Chúa, tượng ông già, tượng thiếu nữ... Muôn hình vạn trạng. Từ những mặt hàng đá mỹ nghệ tiên tiến, đến các sản phẩm chế tác theo nghệ thuật điêu khắc Chămpa. Từ những chiếc vòng đeo tay giá chỉ 5.000 - 10.000 đồng, đến những bức tượng có giá bán 300 - 400 triệu đồng. Sản phẩm của anh đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới và được khách hàng gần xa hết sức tín nhiệm.
Mỗi năm, anh Xuất ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động tình đồng đội, uống nước nhớ nguồn, khuyến học, nhân đạo ở địa phương. Đã nhiều năm, anh tự nguyện bảo trợ chi phí học tập cho 6 học sinh nghèo mồ côi. “Nếu các cháu thi đỗ đại học thì mình sẽ tiếp tục bảo trợ cho đến khi tốt nghiệp”, anh Xuất nói.
Anh Xuất đã đi đến nhiều nơi, tìm lại đủ 30 đồng đội cùng đơn vị với anh trong những năm làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Đông. Ai gặp khó khăn, hoạn nạn đều được anh tận tình giúp đỡ.
Cứ tầm 3 giờ mỗi ngày, anh Xuất tự tay mang lưới ra biển, bơi thúng ra khơi để đánh cá. Sáng sớm, anh đem cá về, để một ít cho gia đình, còn lại, gọi bà con hàng xóm đến cho. Nhiều người ngạc nhiên hỏi anh hà cớ gì phải làm vậy cho nhọc thân? Anh từ tốn đáp: “Làm vậy cho đỡ nhớ biển!”.
Đặc biệt, ngay phía trước khuôn viên cơ sở 2, anh Xuất đã xây dựng một cột mốc đảo Trường Sa Đông (cao 6 m) mà theo anh là để “khuây khỏa nỗi nhớ Trường Sa”. Cột mốc này đã thành nơi tham quan của thanh, thiếu niên, học sinh.
Lê Văn Thơm
>> Bản đồ Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam
>> Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Vùng biển chủ quyền của ta, bà con cứ đánh bắt”
>> Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Chủ quyền của ta, bà con cứ đánh bắt
>> Du lịch ý thức chủ quyền
>> Cuốn sách quý về chủ quyền Việt Nam
>> Học sinh nói về chủ quyền biển, đảo
>> Phản đối Trung Quốc liên tiếp xâm phạm chủ quyền
>> Tịch thu sổ, lịch in sai chủ quyền Việt Nam
Bình luận (0)