Dùng cử chỉ, lời nói, hình ảnh kích thích tình dục cũng cần xem là dâm ô

Ngọc Lê
Ngọc Lê
23/05/2019 15:44 GMT+7

Dùng lời nói, cử chỉ, hình ảnh kích thích tình dục chưa được đưa vào dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số tội danh dâm ô, hiếp dâm... Các chuyên gia pháp luật cho rằng hành vi này cũng nên được xem là dâm ô.

Các chuyên gia cho rằng dự thảo nêu cụ thể hơn so với BLHS về tội danh "dâm ô đối với người dưới 16 tuổi", tuy nhiên chưa thực sự đầy đủ. Tuy nhiên, từ dự thảo này cơ quan chức năng sẽ lấy đó làm căn cứ để định tội danh, xử lý hình sự tội dâm ô, không gây nhiều tranh cãi như trước đây nữa.
Mới đây, TAND tối cao ban hành dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số tội danh về hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô... tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146 và điều 147 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Sau nhiều vụ dâm ô xảy ra gây bức xức dư luận như vụ ông Nguyễn Hữu Linh (nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP.Đà Nẵng, vừa nghỉ hưu năm 2018) có hành vi dâm ô bé gái tại chung cư Galaxy 9 (Q.4, TP.HCM) thì dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng về một số tội danh, trong đó có tội danh dâm ô, vừa đưa ra lấy ý kiến đã được dư luận quan tâm.

Dự thảo không có nhiều điểm mới ?

Về dự thảo, một số ý kiến chuyên gia pháp luật cho rằng một số tình tiết định tội ở tội dâm ô vẫn chưa đầy đủ so với thực tế hiện nay.
Luật sư (LS) Lê Quang Vũ (thuộc Đoàn LS TP.HCM) nêu ý kiến: Trước đây luật quy định tội danh dâm ô chưa rõ ràng, giờ có dự thảo thì cụ thể, kĩ càng hơn. Điều đáng nói, trong trường hợp đối tượng nói chuyện bằng lời nói khiêu dâm, sử dụng hình ảnh dâm ô, chat sex, dụ dỗ trẻ dưới 16 tuổi cho xem phim khiêu dâm để tiến tới hành vi dâm ô chưa được dự thảo đề cập, trong khi tình trạng này diễn ra trong thực tế cuộc sống. Vì vậy, LS Vũ kiến nghị nên bổ sung vào dự thảo về hành vi trên cũng nên được xem là hành vi dâm ô.
LS Nguyễn Hải Nam (thuộc Đoàn LS tỉnh Bình Phước) cũng nêu quan điểm, quy định như dự thảo đưa ra cũng không có nhiều mới mẻ hơn so với quan điểm cũ là buộc phải có hành vi sờ, bóp, đụng chạm vào vùng nhạy cảm của trẻ em. Như vậy sẽ rất khó xử lý đối với nhiều trường hợp tương tự đã từng xảy ra.
LS Nam cho rằng, ở nhiều nước trên thế giới, pháp luật quy định quấy rối tình dục là tất cả các hành vi mang tính chất tình dục để thực hiện áp đặt đối với một người trái ý muốn của người đó, bao gồm tất cả các hành vi cụ thể như sờ mó, va chạm cơ thể hoặc dùng cử chỉ, lời nói, âm thanh, hình ảnh, phim… mang tính chất kích thích tình dục.
Điều đặc biệt là hành vi quấy rối tình dục được áp dụng đối với cả trường hợp mà nạn nhân là người thành niên. Ở Việt Nam thì Bộ luật Hình sự không quy định về tội quấy rối tình dục.
Như vậy, quy định như đối với dự thảo thật sự chưa đủ mà cần phải bổ sung tất cả các hành vi mang tính chất tình dục trái ý muốn nạn nhân, kể cả dùng cử chỉ, lời nói, hình ảnh.

Định tội dễ hơn, không gây tranh cãi

LS Nguyễn Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, dự thảo Nghị quyết hướng dẫn nêu trên về tội dâm ô cũng khá cụ thể, giúp ích nhiều cho việc phân định tội danh dâm ô, trước đây không có cụ thể như vậy nên cơ quan pháp luật vẫn còn nhiều tranh cãi khi định tội nên mới xảy ra tình trạng nhiều đối tượng “biến thái” cưỡng hôn, sờ soạng đối với trẻ em.
LS Trang nhấn mạnh, chỉ có điều hiện nay quy định xử lý về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi còn quá nhẹ, cao nhất chỉ với 12 năm tù, không mang tính chất răn đe, nếu không điều chỉnh quy định về việc xử phạt, chế tài nghiêm hành vi dâm ô thì sẽ rất nguy hiểm và nguy cơ tái diễn các hành vi tương tự.
LS Huỳnh Công Thư (Phó chủ nhiệm Đoàn LS Long An) đánh giá dự thảo đã đầy đủ và phù hợp với BLHS về tội danh dâm ô đối với người 16 tuổi, không cần bổ sung thêm nữa. Từ dự thảo này cơ quan chức năng sẽ lấy đó làm căn cứ để định tội danh, xử lý hình sự tội dâm ô, không gây nhiều tranh cãi như trước đây.
“Ngoài ra, dự thảo còn giúp cho việc khởi tố nhanh chóng chứ không như hiện nay, luật không định nghĩa rõ ràng thế nào là dâm ô, mỗi người hiểu theo mỗi cách khác nhau khiến cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát “nhát tay” khi xử lý vụ việc. Tòa án khi xét xử cũng có căn cứ để xác định chính xác hành vi nào là dâm ô, hành vi nào không phải là dâm ô. Và việc xét xử áp dụng pháp luật của các cấp toà được thống nhất từ trên xuống, tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội, phát huy được mục đích răn đe ngăn ngừa tội phạm mới, bảo vệ tốt nhất quyền của trẻ em phù hợp với công ước quyền trẻ em mà Việt Nam ký kết tham gia”, LS Huỳnh Công Thư nhấn mạnh.
LS Vũ cũng đồng quan điểm, trước dự thảo được đưa ra, LS Vũ cho rằng cơ quan thi hành tố tụng sẽ xử lý rõ ràng hơn, không lấn cấn hay tranh cãi như trước đây, dễ xác định có hay có hành vi dâm ô.
Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là một trong các hành vi sau đây nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội, nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 16 tuổi:
a) Sờ, bóp, hôn vào nhũng bộ phận, vùng nhạy cảm (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...) trên cơ thể người dưới 16 tuổi;
b) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi sờ, bóp, hôn... vào những bộ phận, vùng nhạy cảm (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...) trên cơ thể người phạm tội hoặc người khác;
c) Cố ý đụng chạm bộ phận của cơ thể mình hoặc sử dụng các đồ vật tác động vào các bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ thể người dưới 16 tuổi (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...).
Hành vi sờ, bóp, hôn, đụng chạm vào các bộ phận, vùng nhạy cảm có thể thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp (ví dụ: qua lớp quần áo).
(Trích Dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146 và 147 của Bộ luật Hình sự)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.