Đừng đánh mất tâm thế khởi nghiệp

15/10/2013 03:15 GMT+7

Đó là lời nhắn nhủ đến những người trẻ của Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM - nữ thạc sĩ quản trị kinh doanh Trương Lý Hoàng Phi (30 tuổi).

 Chị Trương Lý Hoàng Phi - d
Chị Trương Lý Hoàng Phi - Ảnh: Như Lịch

Từng rơi vào khủng hoảng

Tốt nghiệp thủ khoa Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP.HCM, nhưng Trương Lý Hoàng Phi không làm việc trong lĩnh vực quản lý hành chính công mà chị được đào tạo. Thay vào đó, chị bắt đầu bằng một vị trí trong ngân hàng và rồi chuyển sang một công ty viễn thông, phụ trách bộ phận hành chính nhân sự và trợ lý tổng giám đốc. Một thời gian sau, chị làm quản lý phòng kinh doanh và tiếp thị của trung tâm điện thoại, trước khi có một bước ngoặt táo bạo trong đời.

 

Hỗ trợ gần 500 dự án khởi nghiệp

Từ nguồn vốn ủy thác của UBND TP.HCM, mỗi năm Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp xét chọn và hỗ trợ khoảng 20 tỉ đồng cho những dự án kinh doanh tiềm năng. Tính đến nay, trung tâm này đã hỗ trợ gần 500 dự án khởi nghiệp, đồng thời xây dựng được mạng lưới với gần 2.000 thanh niên là doanh nhân khởi nghiệp và những cá nhân có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ...

“Năm 2010, Hội LHTN TP.HCM có ý định tìm người phù hợp để tạo dựng lại đơn vị trợ giúp thanh niên làm kinh tế. Khi nhận lời đề nghị này, tôi rất hồi hộp. Công việc cũ đang rất ổn, mọi thứ rất tốt nhưng tôi quyết định từ bỏ để qua một công việc mới, hoàn toàn khác và một môi trường cũng khác hẳn. Gia đình đã cản ngăn rất nhiều…”, chị Hoàng Phi nhớ lại. Thực ra, lúc chị nghỉ việc, mọi thứ chưa có gì rõ ràng. Thậm chí, chị cũng không chắc trung tâm có được thành hình hay không. Sự chờ đợi thắc thỏm từng ngày vỡ òa thành niềm vui khi đúng vào ngày Doanh nhân VN 13.10.2010, chị nhận quyết định thành lập Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Đến ngày 6.1.2011, trung tâm này chính thức ra mắt, trở thành ngôi nhà thân quen của những bạn trẻ hăm hở khởi nghiệp.

Nhưng, như chị Hoàng Phi nhìn nhận, có sự khác biệt lớn giữa việc viết dự án ban đầu với lúc bắt tay vào làm. Chị cho biết: “Trung tâm chúng tôi là một đơn vị tự thu tự chi, tự tuyển nhân sự, đồng thời cũng như một đơn vị khởi nghiệp. Thử hình dung người ta khởi nghiệp lo lắng thế nào thì mình cũng lo lắng những thứ y chang như vậy. Khi đó, mình lo có sống được hay không chứ đừng nói đến việc mình trợ giúp những đơn vị khác để họ sống. Ít nhất trong 6 tháng đầu, tôi cảm thấy rất hoang mang và khủng hoảng”.

Đốm lửa niềm tin bắt đầu nhen nhóm và dần lan rộng, khi ngày càng có nhiều bạn trẻ tin cậy tìm đến. Ngoài việc trợ vốn, cơ sở vật chất, đơn vị này còn xác định thêm nhiệm vụ của mình là tư vấn chuyên gia, đào tạo, xúc tiến thương mại… Song song đó, việc định hình “Vườn ươm” doanh nghiệp trẻ - mô hình vườn ươm đa ngành cũng dần thu hút những thanh niên có ý tưởng kinh doanh độc đáo và khả thi.

Nghĩ xa - làm gần

 

Không nên nghĩ mình nhỏ bé hoài mà phải nghĩ mình lớn, có thể bay như đại bàng. Nhưng ngược lại, cần phải có những người có kinh nghiệm để kéo họ về thực tế

Khi tư vấn cho các bạn trẻ, chị Hoàng Phi thường lưu ý về tâm thế khởi nghiệp. Đó là gì? “Nói đến tâm thế là nói đến sự chuẩn bị và trong sự chuẩn bị đó, mình thấy được viễn cảnh, kể cả bất lợi lẫn thuận lợi cho mình. Khởi nghiệp có nhiều cái khó lắm. Nếu mình không có tâm thế vững vàng thì rất dễ bị chết”, chị Hoàng Phi đúc kết. Chị nói thêm: “Trong khởi nghiệp, quan trọng nhất vẫn là tinh thần sáng tạo, đổi mới. Trật tự thị trường người ta đã xác lập hết rồi, còn mình chỉ mới bắt đầu vào. Nếu mình không có sự sáng tạo, đổi mới thì rõ ràng mình không thể sống được”.

Khả năng nhìn thấy cơ hội, theo chị Hoàng Phi, vừa là yếu điểm vừa là… điểm yếu của nhiều thanh niên khởi nghiệp. Chị lý giải: “Khi chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn nhìn thấy cơ hội nhưng bạn không thẩm định được đó có phải là cơ hội đúng của mình hay không. Nếu không phải mà vẫn lao vào làm thì bạn đang lãng phí nguồn lực chính mình”. Chị cũng thẳng thắn nhận xét: “Số đông bạn trẻ bây giờ suy nghĩ xa mà cũng làm xa lơ xa lắc. Theo tôi, nên khuyến khích người trẻ để họ có những hoài bão lớn. Không nên nghĩ mình nhỏ bé hoài mà phải nghĩ mình lớn, có thể bay như đại bàng. Nhưng ngược lại, cần phải có những người có kinh nghiệm để kéo họ về thực tế. Làm sao từ những điều nhỏ nhất, mình phải làm tốt nhất để thực hiện hoài bão đó. Đi từng bước một thì mới tới cái vĩ đại”.

Chia sẻ về sứ mệnh của bản thân, chị nói: “Trong công việc hiện nay, điều tốt nhất mà tôi có thể làm là khả năng kết nối, vận động các nguồn lực để có thể hỗ trợ những người trẻ”. Hơn nữa, vai trò Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM càng giúp chị có điều kiện làm cầu nối gắn kết giữa những doanh nhân thành công với những người chuẩn bị khởi nghiệp.

Đề cập đến khái niệm hạnh phúc, “thủ lĩnh khởi nghiệp” này quan niệm: “Đó là khi được làm những gì mình yêu!”. Theo chị, công việc là thứ mình sống với nó hằng ngày, có khi nhiều hơn cả việc gặp người thân trong gia đình. Cho nên, nếu làm một công việc mà mình cảm thấy không vui với nó thì đó hẳn là một áp lực lớn đeo đẳng.

Đặt cược niềm tin

Khi quyết định hỗ trợ cho một bạn trẻ nào đó khởi nghiệp, chị thường chú ý những yếu tố gì?

Chị Trương Lý Hoàng Phi: Điều đầu tiên đương nhiên là ý tưởng. Điều thứ hai là các bước đi, cách thức dự kiến thực hiện ý tưởng đó. Yếu tố nữa dù xếp thứ ba nhưng tôi nghĩ nó quan trọng nhất đối với khởi nghiệp, đó là con người. Tôi không chắc mình đánh giá đúng được tất cả. Tuy nhiên, thông thường khi trao đổi, trò chuyện, quan sát cách làm việc, cách nhận thức, cách phản ứng của người ta trước môi trường thì tôi cũng có thể đoán được phần nào người này làm được hay không, phù hợp hay không.

Thỉnh thoảng, tôi gặp những người nói chuyện rất hay vì họ có được những kỹ năng về ăn nói, đối đáp - dẫu thực chất bên trong chưa hẳn tương đồng. Đối với những người này, tôi không xem xét nhất thời mà dựa trên một quá trình.

Được biết, trong một số trường hợp, chị đã phải "đặt cược niềm tin" để hỗ trợ cho người khởi nghiệp. Vì sao như vậy?

Vì tôi nhìn thấy “lửa” bên trong con người ta. Tôi thấy động cơ thúc đẩy các bạn hành động là chính đáng. Khi người ta đam mê cái gì đó, họ thường dốc hết sức của mình ra làm.

Có người nói với tôi rằng, khởi nghiệp quá rủi ro. Nhưng nếu mình nhìn theo cách rủi ro đó hoài thì mình không chọn được ai cả, mình không làm được gì cả. Cho nên, đây là nơi để tôi rèn luyện khả năng phán đoán tình huống, nhìn nhận vấn đề của mình. Trong kinh doanh, rủi ro là chuyện bình thường và có khả năng xảy ra. Nói không sợ thì không phải nhưng hãy luôn nghĩ đến những điều tích cực.

Có bao giờ chị bị bội tín chưa?

Tính đến thời điểm này, những đối tượng tôi trực tiếp chọn thì chưa có trường hợp nào đến mức nghiêm trọng để mình gọi là bội tín.

Như Lịch

>> Khởi nghiệp từ tranh đồng
>> Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp
>> Bánh xe khởi nghiệp" lăn đến trường công nghệ
>> Khởi nghiệp bằng siêu thành tích
>> Startup Weekend - “Trại huấn luyện khởi nghiệp” toàn cầu đến Hà Nội
>> Ý tưởng khởi nghiệp
>> Chia sẻ với người khởi nghiệp
>> Bạn trẻ khởi nghiệp
>> Trao giải cuộc thi Khởi nghiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.