Đừng để 'bằng giả leo cao'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
19/02/2021 04:15 GMT+7

Cơ quan an ninh Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án mua bán, sử dụng bằng tiếng Anh giả tại Trường ĐH Đông Đô.

Theo đó, ngoài 193 người được Trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả đã nêu trong kết luận trước đó, cơ quan chức năng xác định thêm 10 cá nhân khác được trường này cấp bằng giả.
Đáng nói, 203 trường hợp được Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả được cơ quan công an xác định là “những người có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành”; và “phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh”.
Chỉ riêng trong số 10 trường hợp mới được “phát hiện” thì có 5 trường hợp đã sử dụng bằng giả để học nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; 2 người dùng giấy tờ giả để học nghiên cứu sinh ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM; 1 trường hợp để học nghiên cứu sinh tại Học viện Cán bộ TP.HCM và 2 trường hợp khác ở Học viện Khoa học xã hội. Ngoài ra, một trường hợp bị phát hiện sử dụng văn bằng giả để thi thăng hạng viên chức tại UBND tỉnh Thái Bình.
Theo cơ quan điều tra thì trong số 58 trường hợp được xác định đã sử dụng bằng giả để “làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh (tiến sĩ)” hay thăng hạng viên chức, công chức thì hiện nay mới có 43 trường hợp đã được các cơ quan, đơn vị xử lý (và chưa rõ xử lý thế nào), còn 15 người khác vẫn chưa biết xử lý ra sao.
Trong một thời gian dài, học thạc sĩ, rồi làm nghiên cứu sinh, tiến sĩ trở thành một trào lưu. Rất nhiều người học thạc sĩ, tiến sĩ chỉ để làm đẹp hồ sơ, để thăng quan tiến chức thay vì mục đích làm khoa học, bất chấp những học vị này thuần túy thuộc về chuyên môn khoa học. Theo thống kê của cơ quan chức năng, có tới hơn một nửa số tiến sĩ của cả nước đang công tác trong các cơ quan bộ, ngành chứ không làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Có một giai thoại vui rằng, có vị quan chức nọ mang luận án tiến sĩ đến nộp cho giáo sư hướng dẫn, thầy đọc xong, nhận xét: “Luận văn của anh như báo cáo của ủy ban”. Quan chức nghe xong, lễ phép thưa: “Dạ thưa thầy, để em về bảo thư ký viết lại”!
Mẩu giai thoại trên có thể không là sự thật, song có một điều chắc chắn, số người học thạc sĩ, tiến sĩ không vì mục đích khoa học là không ít. Và một khi học thạc sĩ, tiến sĩ để làm quan thay vì làm khoa học, người ta sẽ tìm mọi con đường dễ dàng nhất cốt để có được tấm bằng. Chuyện sử dụng chứng chỉ, văn bằng giả như 203 cá nhân trong vụ án tại Trường ĐH Đông Đô là không có gì lạ.
Việc  xử lý những người sử dụng bằng giả không ảnh hưởng nhiều tới vụ án cũng như việc truy tố, xét xử đối với 10 bị can, đúng như cơ quan điều tra khẳng định. Tuy nhiên, nếu không xử lý những người đã sử dụng bằng giả một cách nghiêm minh, công khai, minh bạch, bất kể họ là “những người có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành” thì vấn nạn bằng giả sẽ không thể xử lý một cách triệt để. Không có “Đông Đô” này sẽ có nhiều “Đông Đô” khác, một khi nhu cầu bằng giả vẫn còn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.