Cho đến cuối ngày hôm qua 17.2, vẫn chưa có lời đáp nào cho tiếng “kêu cứu” từ Hải Dương, về việc các tỉnh lân cận là Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố có cửa khẩu tạo điều kiện thông thương cho hàng hóa từ địa phương này.
Đành rằng, Hải Dương ứng phó với ổ dịch có phần chậm, lúng túng, gây ra lây nhiễm chéo và Hải Dương đang phải trả giá cho “cú đấm” đó của dịch bệnh. Các địa phương, nhất là các tỉnh lân cận đương nhiên phải áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn lây nhiễm từ các ổ dịch Hải Dương. Nhưng không thể vì “chống dịch” cực đoan mà bồi thêm cho tỉnh bạn một “cú đạp”. Ngăn cản lưu thông là cách triệt hạ sản xuất đau đớn nhất.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hải Dương, riêng sản lượng rau vụ đông đang đến kỳ thu hoạch (cải bắp, súp lơ, su hào, rau ăn lá...) của nông dân tỉnh này là khoảng hơn 90.500 tấn, trong đó tiêu thụ nội tỉnh chỉ 20%, lượng dư thừa cần tiêu thụ ra ngoài tỉnh và xuất khẩu chiếm 80%. Một số loại quả tiêu thụ nhanh như ổi còn khoảng 5.000 tấn, chuối còn khoảng 1.500 tấn… cần tiêu thụ gấp.
Người nông dân một nắng hai sương, cả năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mới được ruộng rau đến kỳ thu hoạch, gặp con Covid đã khổ vì giãn cách xã hội, nay lại bị kỳ thị của các tỉnh, thành phố bạn hàng “không cho xe hàng của Hải Dương đi qua, kể cả việc sang tải tại các chốt giáp ranh”, thì thử hỏi họ có còn đường sống không?
Cũng áp dụng các biện pháp chống lây nhiễm từ ổ dịch Hải Dương, nhưng Hà Nội văn minh hơn rất nhiều, khi yêu cầu người về từ Hải Dương tự cách ly, người từ Cẩm Giàng phải khai báo y tế và xét nghiệm bắt buộc… Việc giám sát thực hiện đúng là sẽ có phần khó khăn hơn cho chính quyền, nhưng hiện luật pháp có đủ các công cụ để xử lý đối với những trường hợp trốn cách ly, khai báo gian dối như đã biết, đâu cần phải “rào làng”.
Chống dịch bằng các biện pháp “cấm” như một số tỉnh đang làm là cách “dễ cho nhà quản lý nhưng khó cho dân”, như cách mà Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Việc dừng tiếp nhận hàng hóa, phương tiện từ Hải Dương thực tế còn vi phạm Chỉ thị 05/CT-TTG ngày 28.1.2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc “bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất”. Chính phủ chủ trương xuyên suốt chống dịch nhưng cũng phải kiên quyết chống “ngăn sông cấm chợ”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói rất nhiều về việc thực hiện mục tiêu kép, cách ly xã hội đối với những khu vực có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý, chặt chẽ, nhưng không được làm tê liệt các hoạt động kinh tế - xã hội.
Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất chi tiết về kiểm soát y tế đối với hàng hóa, phương tiện và lái xe. Hãy thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch, trước khi ban hành một lệnh “cấm”.
Làm lãnh đạo thì đừng chọn dễ cho mình, hãy nghĩ đến những cánh đồng bắp cải, su hào, cà rốt, hành, tỏi... đến kỳ thu hoạch; hãy nghĩ đến những dòng lệ đã khô trên gò má hốc hác của người nông dân.
Bình luận (0)