Đừng để giáo viên ‘sợ’ ngày 20.11

13/11/2022 15:40 GMT+7

Tôn sư trọng đạo vốn là truyền thống của dân tộc Việt Nam thế nên ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 cũng trở thành một ngày đặc biệt của cả xã hội.

Tuy nhiên, có những điều đâu đó còn vướng mắc, có khi làm chính giáo viên "sợ" khi đến gần ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.

Những tấm thiệp đơn sơ, chân thành của học sinh đủ giúp thầy cô giáo hạnh phúc với nghề

đ.n.t

Tốn kém

Gần đến ngày 20.11, tất cả các trường, từ mẫu giáo đến trung học đều nô nức tổ chức các hội thi văn nghệ, làm báo tường, làm thiệp, cắm hoa để chào mừng ngày của thầy cô. Đây là điều mà cả thầy và trò đều yêu thích, hào hứng. Tuy nhiên khi gắn với thành tích thi đua, để lớp được cộng điểm thi đua vì tham gia phong trào tốt, có thành tích cao trong các cuộc thi... thì giáo viên và phụ huynh lớp phải gồng mình với các khoản nào là thuê biên đạo tập múa, làm đĩa nhạc, thuê trang phục trình diễn, tiền ăn uống cho học trò tập luyện cả tháng trời, tiền mua hoa (mà giá hoa những ngày này thì mắc kinh khủng)... tính ra đã ngót nghét cả chục triệu đồng. Nếu làm cho quấy quá, làm cho xong thì thương học trò xấu hổ, tự ti khi lên sâu khấu, mà có khi còn bị lãnh đạo trường phê bình. Vì thế giáo viên và phụ huynh đành bấm bụng chịu.

Mệt mỏi

Mang tiếng là ngày của thầy cô mà các thầy cô, nhất là giáo viên chủ nhiệm, phải chạy đôn chạy đáo cả tháng trời trước đó, vất vả tìm người tập luyện văn nghệ, lo trang phục, mua đồ ăn cho học sinh, quản lý giờ giấc các em tập luyện để thông báo với phụ huynh. Có khi, đến đúng ngày 20.11 rồi, thay vì được nghỉ ngơi – là điều giáo viên cần nhất, thì lại phải tất bật lo cho lớp mình, từ hậu trường đến khán đài, cùng vô số việc không tên khác. Hết buổi lễ kỷ niệm đã mệt nhoài.

Nhận quà

Cùng với đó là việc tặng quà, nhận quà trong ngày này cũng thật khó xử cho thầy cô. Phụ huynh và học trò tặng quà, tặng hoa chúc mừng đâu thể từ chối. Những tình cảm trân quý của phụ huynh, của học trò khi đã trao, thầy cô không thể xua tay. Nhưng rồi, trong lúc đó lại nghe thấy những lời nói xa nói gần về việc “phải” tặng quà của một số người không hiểu chuyện mà đau lòng, thương mình, thương nghề.

Những bông hoa, món quà mà học trò tặng thầy cô là sự kính trọng, yêu thương và lòng biết ơn

đ.n.t

Vì thế để ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 có ý nghĩa hơn thì nên thay đổi cách thức tổ chức. Chẳng hạn những tiết mục văn nghệ, những hội thi của học trò, của thầy cô trong ngày này thiết nghĩ nên xem trọng ý nghĩa về việc tôn sư trọng đạo, tôn vinh, yêu quý nghề nghiệp. Cần tránh sự phô trương, lãng phí, hình thức, và nhất là không tạo thêm áp lực về thi đua, thành tích lên nhà giáo, lên học trò. Những bông hoa, món quà mà học trò tặng thầy cô là sự kính trọng, yêu thương và lòng biết ơn. Có như vậy ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 mới thực sự như Nghị quyết hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã khẳng định “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh”.

Mong sao trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, tất cả các thầy cô đều cảm thấy hạnh phúc, và niềm hạnh phúc này sẽ theo các thầy cô mãi đến hết con đường giáo dục mà các thầy cô đã chọn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.