Mong ước của phụ huynh khi con được trở lại trường học trực tiếp

Nguyễn Hùng
Nguyễn Hùng
06/02/2022 14:30 GMT+7

Đầu xuân Nhâm Dần 2022, mong mỏi lớn nhất của phụ huynh chúng tôi chính là việc trường học mở cửa an toàn và hiệu quả đón bước chân rộn ràng của trẻ trở lại trường học trực tiếp.

Song song với khát vọng ấy, tôi xin gửi gắm một ước mơ bé nhỏ đến phụ huynh: Đừng phó mặc việc giáo dục trẻ cho nhà trường!

Dẫu nhà trường luôn nêu cao tinh thần dạy chữ song song với dạy người nhưng để một đứa trẻ nên người cần sự hỗ trợ giáo dục từ cả gia đình

phạm hữu

Hẳn là mọi người còn nhớ, vào 14.11.2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ và khẳng định trong buổi gặp mặt các đại diện nhà giáo, cán bộ giáo dục tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam: “Giáo dục con người không phải việc riêng của ngành giáo dục”.

Liệu lời sẻ chia ấy có đánh động chúng ta, những người bố, người mẹ luôn muốn dành điều tốt đẹp nhất cho con trẻ?

Mỗi phụ huynh đều luôn chăm chút cho miếng ăn, giấc ngủ và việc học hành của con. Chúng ta không tiếc tiền đầu tư cho con khóa học này lớp học kia để bổ trợ kiến thức, mài giũa năng khiếu, trau dồi năng lực nhưng chúng ta đôi khi vô tình quên lãng việc trẻ cần uốn nắn hành vi, vun bồi ý thức và thái độ sống tích cực, chuẩn mực, tử tế, văn minh.

Chúng ta cho trẻ đến trường và phải chăng đang phó mặc cho thầy cô nhiệm vụ giáo dục nhân cách trẻ? Để rồi cứ hễ xảy ra sự vụ gì là y như rằng lại mắng vốn “Thầy cô dạy mày thế hả?”. Dư luận đổ lỗi cho nhà trường dạy trẻ chưa nghiêm, xã hội “ném đá” giáo viên uốn trẻ chưa vào khuôn nếp.

Và người ta quên mất rằng "cái nôi" để một đứa trẻ nên vóc, nên hình không chỉ là nhà trường. Trẻ lớn lên trong vòng ôm bảo bọc của gia đình. Trẻ còn chịu ảnh hưởng từ “ngôi trường” lớn hơn – bối cảnh xã hội thực và ảo trên không gian mạng.

Thế nên dẫu nhà trường luôn nêu cao tinh thần dạy chữ song song với dạy người nhưng tiếc thay, những bài học từ trường lớp lại thường xuyên va đập chan chát với thực tế cuộc sống. Lý thuyết đôi khi bị sóng sánh ít nhiều, cái tốt đôi khi bị hao hụt ít nhiều bởi chính những tấm gương chưa trọn vẹn, thậm chí là xấu xí từ gia đình và xã hội.

Nhà trường dạy con bài học về sự lễ phép, nhường nhịn, kính trên nhường dưới… Nhưng cách người lớn ứng xử thiếu tế nhị trong bàn tiệc, trên đường đi, khi va chạm giao thông cứ thế đập thẳng vào tai trẻ những lời khó nghe, đập thẳng vào mắt trẻ những hành động phản cảm.

Nhà trường dạy con bài học về sự trung thực, dám làm dám chịu, sẵn sàng nhận lỗi… Nhưng cách người lớn né tránh trách nhiệm khi có vụ việc lùm xùm, gian dối trong công việc và sinh hoạt hàng ngày cứ giăng mắc nơi nơi khiến trẻ ít nhiều mất niềm tin vào lý thuyết.

Nhà trường dạy con tuân thủ luật giao thông và thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật… Nhưng những đoàn xe nối đuôi nhau gầm rú trên mạng hay hình ảnh người dân xung quanh không mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, leo lề đường cứ dội đến khiến trẻ không ít lần xuýt xoa “Sao người lớn kỳ vậy ạ?”.

Nhà trường dạy con yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ bạn bè và trân quý từng khoảnh khắc học tập, vui chơi dưới một mái trường. Nhưng rồi ngày ngày chúng ta chứng kiến nhiều hơn những vụ đánh đấm, bạo lực giữa bọn trẻ… Trẻ đang học cách hành xử theo “luật rừng” ấy từ đâu, nếu không phải từ chính những người xung quanh và từ mạng ảo?

Học sinh cần môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh từ cả nhà trường và gia đình

p.h

Một đứa trẻ đang lớn cần lắm vòng tay yêu thương, uốn nắn của mẹ cha. Con cần môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Con càng cần hơn môi trường sống thân thiện, ở đó cái đẹp sẽ nở rộ và lấn lướt những biểu hiện xấu xí.

Sau Tết Nguyên đán, khi học sinh trở lại trường học trực tiếp, chúng tôi rất đồng tình với lời kêu gọi của Thủ tướng: “Tôi kêu gọi các cấp, các ngành, mọi người, mọi nhà, mọi bậc cha mẹ… cùng chung tay sát cánh với ngành giáo dục, với các thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.