'Đừng để giáo viên vừa đứng trên bục giảng, vừa tất bật lo cuộc sống'

17/11/2017 15:53 GMT+7

Làm sao để nhà giáo sống được bằng lương là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và các nhà giáo tiêu biểu.

Sáng 17.11, Thường trực Thành ủy, UBND TP.HCM đã tổ chức gặp gỡ với 300 nhà giáo lão thành, nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tại buổi gặp gỡ, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết thời gian qua, ngành giáo dục thành phố đã đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục. Cùng với tăng cường công tác giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên, ngành giáo dục thành phố đã đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá ở tất cả các cấp học nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đối với việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, ông Lê Hồng Sơn cho biết thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên thành phố, đảm bảo cung cấp đủ số lượng giáo viên, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, ngoại ngữ, tin học, nâng cao năng lực ứng dụng CNTT trong giảng dạy.

Ngay sau báo cáo trên, hầu hết các nhà giáo tham dự buổi gặp gỡ đều đặt câu hỏi làm sao để giáo viên sống được bằng lương, yên tâm đứng trên bục giảng.

Thạc sĩ Phan Văn Quang, Phó phòng Giáo dục Q.Tân Bình, nêu ý kiến bất cập, việc trả lương theo bậc học như hiện nay không tương xứng và khuyến khích việc nâng cao năng lực và trình độ đào tạo của giáo viên. Chưa kể giáo viên có kinh nghiệm khi chuyển sang công tác quản lý đều bị cắt phụ cấp, gây thiệt thòi. Do vậy ông Quang đề xuất thành phố cần có chính sách riêng để tạo điều kiện cho phát triển giáo dục.  

Còn tiến sĩ Huỳnh Công Minh, Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đặt vấn đề muốn giáo dục phát triển bền vững phải có chế độ, chính sách tiền lương hợp lý cho giáo viên. Có như vậy thì giáo viên mới an tâm, thăng hoa về tâm hồn và truyền tải kiến thức cho học trò. Chứ đứng trên bục giảng mà lúc nào cũng lo tất bật cho cuộc sống thì xã hội mất mát rất nhiều.

tin liên quan

Những người thầy trong trái tim tôi: 20.11, ngày ấy và bây giờ
Hơn 30 năm trước, hành trang mà cả lớp sư phạm chúng tôi mang theo khi tốt nghiệp là những dòng thơ:“Có ai hiểu được cuộc đời nhà giáo/Rất đơn sơ tập giáo án gối đầu/Viên phấn trắng làm tâm hồn bay bổng/Mực đỏ chấm bài như máu chảy từ tim”.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng, Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đưa ra câu nói đề cập đến chính sách dành cho nhà giáo hiện nay và cho tương lai: “Muốn đọc tương lai của đất nước thì nhìn vào giáo dục, muốn nhìn tương lai của giáo dục hãy nhìn vào cách cư xử với nhà giáo”.

Tại buổi gặp gỡ, ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, phát biểu thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tối đa những mặt tiêu cực xuất phát từ chủ quan và khách quan khiến giáo dục phần nào trì trệ, thiếu hấp dẫn. Tuy nhiên, giữa mong muốn và thực tế luôn có một khoảng cách. Giáo dục của thành phố đang đứng trước nhiều áp lực, thử thách như tăng dân số, chương trình, SGK còn chậm đổi mới, kinh phí đầu tư cho giáo dục còn hạn chế. Trong khi đó chế độ tiền lương cho giáo viên, phụ cấp cho cán bộ quản lý còn nhiều bất cập, không thu hút được người tài vào ngành sư phạm và không khuyến khích được giáo viên qua làm cán bộ quản lý… Vì thế những ý kiến đóng góp hôm nay có nhiều giá trị, chúng tôi trân trọng tiếp nhận và trong thẩm quyền trách nhiệm Thường trực Thành ủy, UBND tiếp thu, chỉ đạo giải quyết một cách nhanh chóng và hợp lý nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.