Đừng để mang tiếng 'ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ để bàn đóng tiền'

23/09/2024 06:26 GMT+7

Nhà giáo Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng ban đại diện cha mẹ học sinh phải cho thấy mình đang làm việc vì học sinh chứ không phải chỉ để bàn đóng tiền.

Ông Nguyễn Văn Ngai cho biết ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) trong lớp, trong trường cần có nhiều cách làm hay, cùng chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ việc học tập, tham gia hoạt động phong trào trên lớp của con em mình.

Theo ông Ngai, bản thân mỗi phụ huynh HS cần dành thời gian để đọc và nắm vững Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về điều lệ ban đại diện CMHS để hiểu các quy định về kinh phí hoạt động, nguyên tắc không được cào bằng các khoản đóng góp của phụ huynh... "Tôi cho rằng khi có con đi học, phụ huynh không ngại đóng góp, nhưng việc đóng góp này phải đúng quy định, hợp lý, phải thật sự vì việc học tập của HS chứ không phải những khoản đóng góp phi lý, không đúng quy định, không phục vụ chăm lo cho chính các em HS", nhà giáo Nguyễn Văn Ngai nói.

Đừng để mang tiếng 'ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ để bàn đóng tiền'- Ảnh 1.

Khi có con đi học, phụ huynh không ngại đóng góp, nhưng phải đúng quy định, thật sự vì việc học tập của học sinh

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Ngai dẫn ra những vụ việc lùm xùm thu - chi ở các lớp trong trường học vừa qua, khi xảy ra sự việc, phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT yêu cầu báo cáo thì hiệu trưởng đều nói "tôi không biết, cái này do ban đại diện CMHS lớp đó tự bàn bạc rồi làm". "Nói như thế là ngụy biện, ban đại diện CMHS đóng tiền, sửa chữa một cái phòng học, hay lắp thiết bị này khác ở trong trường học mà hiệu trưởng/thủ trưởng đơn vị không nắm, thì thủ trưởng đơn vị đã làm tròn vai trò chưa?", ông Ngai nói.

Đừng để mang tiếng 'ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ để bàn đóng tiền'- Ảnh 2.

Nhà giáo Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM

Ảnh: Thúy Hằng

Do đó, ông Ngai đề xuất ban đại diện CMHS lớp phải có sự phối hợp, trao đổi, bàn bạc, hỏi ý kiến giáo viên (GV) chủ nhiệm; ban đại diện CMHS trường cũng cần làm việc, trao đổi ý kiến với ban giám hiệu, không thể tự ý trong việc tổ chức hoạt động, mua sắm, vận động tài trợ, kêu gọi đóng góp... Ông Ngai đề xuất sở GD-ĐT khi tổ chức tập huấn cho các đơn vị trường học về triển khai Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT cũng cần nhấn mạnh điểm này và cần thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất để xem các trường có tuân thủ không.

Chuyên gia Trần Thị Quế Chi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo (IES), cho rằng để hóa giải mâu thuẫn, trả lại cho giáo dục môi trường lành mạnh, chung mục tiêu giáo dục trẻ em thì vai trò trọng yếu ở ban giám hiệu trường học. Ban giám hiệu cần thay đổi lại cách quản lý, xây dựng lại quy chế nội bộ, văn hóa nội bộ, khai thác tối đa sức mạnh công nghệ, làm sao để lắng nghe phụ huynh, tiếp nhận ý kiến của các em HS nhiều hơn, quan tâm đến tâm tư, tình cảm của HS nhiều hơn... Bởi cách hóa giải hiệu quả nhất những mâu thuẫn của phụ huynh - nhà trường (nếu có) chính là cảm xúc, cảm nhận của HS mỗi ngày ở trường.

Đừng để mang tiếng 'ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ để bàn đóng tiền'- Ảnh 3.

Bà Trần Thị Quế Chi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo - IES, trong một buổi trò chuyện với phụ huynh

Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, nếu có những trường hợp cá biệt, trường học tiếp nhận ý kiến, đơn thư từ phụ huynh, theo bà Chi, ban giám hiệu cũng cần tiếp nhận, phản hồi trong sự chân thành, thái độ cầu thị, tôn trọng lẫn nhau. Bởi cả phụ huynh và nhà trường đều có chung một mục tiêu là chăm sóc, giáo dục HS nên người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.