Họ còn trở thành tội đồ vì bạn bè, gia đình, đồng nghiệp bị tấn công, bêu riếu khắp nơi.
Tất nhiên là họ phải chịu trách nhiệm với việc làm của mình! Nhưng trong bi kịch này, lỗi không nhỏ thuộc về cơ quan quản lý khi để các app cho vay, thực chất là tín dụng đen biến tướng hoành hành khắp nơi. Có thể nói, vay tiền chưa bao giờ dễ như hiện nay. Nếu trước đây người vay phải chạy ngược chạy xuôi tìm chỗ vay. Rồi năn nỉ ỉ ôi để được vay thì giờ đây, các app, các trang tài chính online tấn công mail, tấn công điện thoại cá nhân của nhiều người. Có người chưa bao giờ làm hồ sơ nhưng bỗng dưng nhận được quyết định... phê duyệt khoản vay.
Có người không vay lại nhận giấy đòi nợ từ trên trời rớt xuống. Hay chỉ cần click vào trang H5vaytien có tới 30 app cho vay tha hồ lựa chọn. Mà với người nghèo, khó khăn vốn là thường nhật... thấy các app hoạt động công khai, mời chào công khai không ít người tưởng hợp pháp, thế là vay thôi. Nhưng vay qua app với lãi suất cắt cổ chỉ là khởi đầu của cái bẫy.
Hầu hết các app bây giờ không hoạt động một mình mà thành một nhóm. Khoản vay của app này vừa chậm trả, đòn khủng bố đòi nợ được tung ra khiến “con mồi” sợ hãi thì ngay lúc đó app cho vay khác sáp vô chào khoản vay mới. Đang lúc cấp bách, người vay đương nhiên như vớ được cọc, vội vay app mới, trả app cũ... vòng xoáy vay nợ cứ thế phình to. Khoản vay bé tí ban đầu chỉ trong một thời gian ngắn biến thành món nợ khổng lồ. Trong bài Bi kịch vay tiền qua app mà Báo Thanh Niên phản ánh mới đây, khoản vay 40 triệu đã biến thành món nợ 500 triệu đồng khiến người vay phải bán cả miếng đất duy nhất của mình để trả nợ. Có người vay 5 triệu, trả 100 triệu đồng vẫn chưa hết nợ.
Đáng nói là tình trạng này xuất hiện đã mấy năm nay, nhưng về mặt quản lý thì vẫn dừng ở chỗ khuyến cáo, cảnh báo... còn công tác kiểm tra, giám sát thì vẫn buông lỏng. Thế nên, các app biến tướng, các hình thức cho vay ngang hàng (kết nối trực tiếp giữa người cho vay và người đi vay thông qua nền tảng internet) trá hình hoạt động công khai, áp dụng lãi vay cắt cổ công khai mà người dân không thể phân biệt được cái nào là hợp pháp, cái nào là bất hợp pháp. Họ, trong khó khăn bủa vây, trong hành trang không có tài sản thế chấp để tìm đến ngân hàng... đã dễ dàng sập bẫy.
Từ ngày 1.1.2021, chúng ta chính thức cấm kinh doanh đòi nợ thuê vì hoạt động này biến tướng với các kiểu cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, gây áp lực lên con nợ dẫn tới nhiều hệ lụy. Thế nhưng, chúng ta lại đang buông lỏng cho các hoạt động tín dụng đen biến tướng qua các hình thức cho vay online, cho vay ngang hàng, cho vay qua app với lãi suất cắt cổ khiến số phận rất nhiều người lao động nghèo rơi vào bi kịch.
Không có tín dụng đen thì không có khủng bố đòi nợ. Nếu chúng ta cứ chăm chăm cắt ngọn mà bỏ mặc cái gốc thì xã hội phải gánh một loạt hệ lụy liên quan đến an ninh trật tự và người nghèo sẽ tiếp tục bị bắt chẹt trong mớ bòng bong của khó khăn, nợ nần.
Bình luận (0)