Nhìn từ đầu đến cuối vụ việc, nhìn lại “lịch sử” hoạt động của 2 ông chủ này, chỉ có thể nói họ đang coi pháp luật như một trò đùa.
Hơn 1 tháng trước, dư luận choáng váng khi công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đấu giá lô đất ở Thủ Thiêm với giá trên trời, lên tới 2,4 tỉ đồng/m2. Rất nhiều thuyết âm mưu, nghi án... được đặt ra, nhưng không ai có thể giải nổi bài toán rằng doanh nghiệp (DN) này sẽ kinh doanh gì để hoàn vốn (chưa nói đến thu lời) với mức giá cao bất thường như vậy. Ở chỗ này, chỗ kia, ông Đỗ Anh Dũng, chủ Tập đoàn Tân Hoàng Minh, hùng hồn tuyên bố mức giá đó không cao, rằng ông xót xa khi thấy nhiều lô đất quý hơn vàng rơi vào tay nước ngoài... Cơn sốt đất đang âm ỉ ngay lập tức được thổi bùng ở khắp mọi nơi; các bộ, ngành, địa phương bở hơi tai chạy theo tìm giải pháp đối phó. Giới cò đất, đầu nậu thì hùa nhau đẩy giá; người bán - người mua đều sợ hớ; các DN chưa đóng tiền sử dụng đất như ngồi trên đống lửa vì sợ bị tính theo mặt bằng giá mới không thật...
Trong lúc thị trường hỗn loạn thì đùng một cái, ông chủ Tập đoàn Tân Hoàng Minh “quay xe”, đơn phương hủy hợp đồng, bỏ cọc. Đáng nói là ngay đến cả lúc rút lui, ông Dũng cũng vẫn làm dư luận điên đảo với bức “tâm thư” gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước lan truyền khắp nơi, nhưng chủ nhân của nó thì tắt máy không thể liên lạc. Mãi đến tối muộn cùng ngày, DN này mới chính thức xác nhận. Suốt tối hôm trước đến sáng hôm qua, dư luận sôi sục. Trên sàn, cổ phiếu lao dốc; dù đoán trước kết cục, nhưng các DN bất động sản đứng ngồi không yên trước nguy cơ thị trường đón nhận cơn thịnh nộ. Nhưng đây không phải lần đầu tiên.
Lật lại hồ sơ, năm 2016, Tân Hoàng Minh từng trở thành hiện tượng trong đấu giá khi trúng lô đất tại số 23 Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM) với mức giá gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm. Thế nhưng, ngay sau khi UBND TP.HCM phê duyệt kết quả đấu giá, Tân Hoàng Minh lại có văn bản đề nghị hủy kết quả. Tuy nhiên, tháng 6.2016, Tân Hoàng Minh lại có văn bản gửi UBND TP.HCM, đề nghị được tiếp tục mua khu đất 23 Lê Duẩn.
Tương tự, nếu không biết về lịch sử đã từng “bán chui” 57 triệu cổ phiếu (CP) FLC năm 2017, không ai có thể tưởng tượng ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT của một DN lớn như FLC lại có thể “đánh úp” nhà đầu tư bằng cách bán chui gần 75 triệu CP trị giá hàng ngàn tỉ đồng vào ngày 10.1 vừa qua. Rất nhiều nhà đầu tư đua mua trần CP FLC trước đó, hôm qua đã “âm tài khoản”. Cơn tháo chạy khỏi CP này vẫn chưa chấm dứt và thiệt hại của họ tất nhiên vẫn chưa dừng lại. Nhưng ý thức và đạo đức pháp luật kém của ông Quyết không chỉ khiến cho các nhà đầu tư mất tiền mà còn khiến họ mất niềm tin vào thị trường chứng khoán còn non trẻ của VN. Nỗ lực xây dựng chứng khoán thành kênh huy động vốn cho nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quan trọng như nói trên, “bán chui” đã trở thành một cách kiếm lợi của ông Quyết.
Nếu doanh nhân coi pháp luật là trò đùa thì liệu DN của họ có hoạt động đúng pháp luật hay không? Câu trả lời xin dành cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền làm rõ để có chế tài nghiêm minh, trả lại sự công bằng cho nhà đầu tư, minh bạch cho môi trường đầu tư nói chung.
Tân Hoàng Minh chính thức rút khỏi vụ đấu giá đất Thủ Thiêm |
Bình luận (0)