Nhiều dư địa cho tăng trưởng kinh tế

11/01/2022 04:23 GMT+7

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01 với loạt giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế - xã hội năm 2022 nhằm phấn đấu mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%, thu nhập bình quân đầu người 3.900 USD.

Trải qua 1 năm đối mặt với dịch bệnh đầy cam go, phía trước dịch bệnh cũng vẫn đang diễn biến phức tạp nên nhiều ý kiến còn nghi ngại. Thế nhưng, Nghị quyết 01 đã lường hết các yếu tố chủ quan và khách quan có thể tác động đến nền kinh tế trong năm nay. Từ đó, cân đối giữa khó khăn với lợi thế; cơ hội và thách thức; nền tảng và biến số... để đưa ra các giải pháp phù hợp cho mục tiêu này. Đơn cử, Nghị quyết 01 đánh giá năm nay, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn thì giải pháp khắc phục chính là giải ngân 100% vốn đầu tư công. Nghĩa là vốn công sẽ vươn lên dẫn dắt để khối doanh nghiệp tư nhân có thêm thời gian phục hồi. Tương tự, năm 2021 kinh tế - xã hội đối diện tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, nguồn lao động. Do đó, một trong những giải pháp năm 2022 là bảo đảm an sinh xã hội, an dân, khôi phục và ổn định thị trường lao động, cơ cấu lại lao động, nâng cao thu nhập, đời sống người dân. Nếu năm 2021 xuất khẩu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế khi kim ngạch đạt kỷ lục thì sang năm 2022, nghị quyết tiếp tục coi đẩy mạnh xuất khẩu là 1 trong 3 trọng tâm để duy trì đà tăng trưởng... Dẫn chứng một vài ví dụ để thấy, chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng vào những mục tiêu mà Chính phủ đặt ra trong năm nay.

Chưa kể từ năm 2022, nhiều cánh cửa đã rộng mở. Cụ thể, từ ngày 1.1, các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đã chính thức cất cánh. Ở bên trong, nhiều tỉnh, thành đã “dọn nhà đón khách”. Hy vọng hàng không và du lịch - những ngành đã có một thập kỷ tăng trưởng đầy ấn tượng sẽ trở lại mạnh mẽ. Cũng từ đầu năm nay, siêu Hiệp định thương mại lớn nhất thế giới (RCEP) mà VN tham gia chính thức có hiệu lực, mở ra một thị trường rộng lớn bao la cho hàng hóa VN. Thực tế, ngay từ đầu tháng 10 khi mở cửa trở lại, kinh tế đã có sự tăng tốc ấn tượng. Chúng ta đã cán đích năm 2021 với xuất khẩu lập kỷ lục; thu hút vốn đầu tư nước ngoài vượt chỉ tiêu...; và đặc biệt, giữ được một nền tảng vĩ mô ổn định. Đây chính là cái “trớn”, tạo tiền đề cho đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế tiếp tục trong thời gian tới. Đến hôm qua, TP.HCM - đầu tàu của đất nước đã khôi phục hoàn toàn khu vực dịch vụ vốn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế TP. Đầu tàu đã khởi động, đoàn tàu chắc chắn sẽ tăng tốc.

Nhưng tốc độ của “đoàn tàu” còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là việc áp dụng đồng bộ các giải pháp từ phía các địa phương, bộ ban ngành. Bởi đến tận lúc này, rất nhiều tỉnh, thành vẫn chưa “thích ứng linh hoạt” dù vắc xin Covid-19 đã phủ đến mũi 3, dù chủ trương sống thích nghi với dịch đã được áp dụng từ nhiều tháng. Vẫn có những địa phương yêu cầu khách du lịch phải xét nghiệm, vẫn có nhiều khách sạn đòi test nhanh, vẫn có tỉnh tự nâng cấp độ dịch rồi từ đó hạn chế các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp. Đó là lý do Chính phủ đưa ra chủ đề điều hành năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.

Chính phủ đã trải thảm, bất cứ nơi nào “rải đinh” cần phải được loại bỏ để đoàn tàu kinh tế cập bến mục tiêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.