Chính phủ nên thẳng thắn đánh giá lại vấn đề tệ nạn ma túy, người nghiện. Các địa phương như TP.HCM, TP.Hà Nội và các tỉnh, thành khác cũng đánh giá một cách nghiêm túc, thẳng thắn mô hình cai nghiện tại cộng đồng, gia đình.
Truy quét ma túy tại TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Chúng ta phải mạnh dạn sửa đổi những quy định không còn phù hợp thực tiễn.
Người nghiện lên cơn đâu có chừa ai
* Xin hỏi thật ông, là bây giờ khi ra đường ông có sợ bị người nghiện cướp giật, gây án không?
- Sợ chứ! Rất sợ! Người nghiện lên cơn đâu có chừa ai. Ngán lắm chứ, không ngán sao được! Thông tin từ Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) cho thấy tính đến giữa năm 2014 cả nước có khoảng 200.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, riêng TP.HCM có khoảng 20.000 người nghiện. Hầu hết các địa phương có số người nghiện năm sau tăng cao hơn năm trước, và số người nghiện thực tế có thể cao hơn con số quản lý được từ 30 - 35%. Người nghiện đang gây ra một nỗi lo chung, khiến người dân không yên tâm, bởi vì không biết ngày nào, giờ nào những người này gây ra những chuyện động trời. Chỉ như ông tài xế chơi thuốc lắc thôi thì đã gây ra tai nạn rồi.
|
|
* Vậy ông có đánh giá gì về công tác phòng chống tệ nạn ma túy, đưa người nghiện đi cai hiện nay?
- Chúng ta không vội chê bai, phê phán kết quả hiện nay nhưng mà cũng phải nghiêm túc đặt ra yêu cầu là mình thẳng thắn và hết sức trung thực trong đánh giá từ trong tổ chức chỉ đạo toàn bộ, chứ không chỉ riêng khâu nào. Có thể nói, kết quả không như mong muốn. Nếu như chỉ lấy tỷ lệ gia tăng người nghiện ma túy riêng ở TP.HCM bình quân trên 17%/năm, thì rõ ràng đây là con số quá cao. Số người nghiện cũ chưa giành giật lại được thì số người nghiện mới liên tục tăng. Đây là điều khủng khiếp.
* Riêng đối với TP.HCM từng tổ chức nhiều đợt đưa người nghiện đi cai, vì sao tình hình vẫn còn phức tạp?
- TP.HCM là địa bàn vùng trũng ma túy dồn về nên khác với các nơi khác, là người nghiện ma túy nhiều. Từ thời điểm năm 2001 tình hình người nghiện gây án đã từng nóng lên rồi. Trước tình thế cấp bách, trên cơ sở kiến nghị của TP, Quốc hội có Nghị quyết 16 cho phép TP đưa người nghiện đi cai tập trung, không phân biệt là có nơi cư trú hay không có nơi cư trú. Đến khoảng năm 2008 TP đưa được hơn 30.000 người nghiện đi cai. Nhờ đó trật tự trị an ổn định trở lại, cướp giật giảm hẳn.
Tuy nhiên, sau đó TP không còn được phép làm như vậy nữa, thì cũng ngay từ thời điểm đó, thêm một lần nữa bất ổn lại tái diễn. Khi tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng, cuối năm 2014 Quốc hội mới có Nghị quyết 77 cho phép TP triển khai đề án đưa người nghiện không có nơi ở ổn định đi cai, nhưng đó mới chỉ một phần vì vấn đề là vẫn còn hơn 1 vạn người nghiện có nơi cứ trú ổn định thì cứ “ung dung” trong cộng đồng. Thực tế đã báo động tỷ lệ gây án của những người này rất cao. Bây giờ người nghiện còn ngoài cộng đồng quá đông như vậy, nhu cầu ma túy cũng sẽ rất lớn thì tội phạm ma túy tìm cách để cung. Tình hình phức tạp càng thêm phức tạp, rất nhiều chuyện càng thêm lo ngại. Đây là vấn đề chúng ta cần nhìn nhận thấu đáo và sớm giải quyết có hiệu quả cao nhất.
* Chúng ta đã ban hành nhiều luật như luật Xử lý vi phạm hành chính, luật Phòng chống ma túy..., nhưng theo ông vấn đề bất cập trong việc xử lý tệ nạn ma túy, người nghiện ở đây là gì?
- Theo luật quy định thì hiện nay có 3 mô hình cai nghiện, đó là tại cộng đồng, tại gia đình và cai nghiện tập trung. Ở đây cai nghiện tại cộng đồng và tại gia đình có gì khác nhau không? Nếu chúng ta không làm rõ thì cứ chơi chữ với nhau thôi, nếu không có khác biệt gì thì đừng để có nhiều mô hình quá, thêm rối trong khi không ai chịu trách nhiệm làm, cơ sở vật chất cắt cơn, giải độc ở các quận, huyện hầu như không đầy đủ, thậm chí nhiều nơi không có gì. Đó là chưa kể hầu hết người nghiện và gia đình người nghiện chưa thật sự tự giác khai báo tình trạng nghiện và lựa chọn hình thức cai nghiện với chính quyền địa phương.
Còn để đưa người nghiện đi cai bắt buộc, tôi thấy trình tự mà chúng ta đang quy định rất cứng nhắc. Tôi cảm thấy với điều kiện thực tiễn và bộ máy của chúng ta hiện nay, chuyện đáp ứng đủ quy trình, thời gian như trong luật là một thách thức rất lớn. Do đó nên nghiên cứu lại theo hướng không cần phải qua các quy trình vòng vo, mà chỉ cần dựa trên tình trạng cụ thể của người nghiện, người có thẩm quyền có thể ra quyết định đưa người nghiện đi cai ngay. Chứ quy định mà chồng chéo, không rõ ràng, hết sức rườm rà, rắc rối, níu kéo lẫn nhau thì bấy nhiêu đó thôi đã thất bại rồi, làm sao triển khai hiệu quả trên thực tế được.
Không để cộng đồng bị đe dọa
* Việc đưa người nghiện đi cai là một đòi hỏi cấp bách, nhưng lại đang đối mặt với nhiều bất cập của quy định pháp luật, thì rõ ràng đời sống bình yên của cộng đồng cứ bị đe dọa...
- Chúng ta đảm bảo quyền công dân, quyền con người, nghĩa là chúng ta không áp bức cá nhân người nghiện một cách vô lối, vô lệ, vô luật đối với người đó. Nhưng ở đây rõ ràng chúng ta đấu tranh để giành giật lại tính mạng từng con người bị nghiện ngập ma túy, và mình ngăn chặn nguy cơ người đó gây ra tội ác. Chúng ta không thể cứ nói chung chung mà không chú ý đúng mức đến quyền được sống trong bình yên, an toàn của đại bộ phận người dân. Anh đừng có nghĩ là làm tất cả mọi thứ đó (quy định) là quy trình bảo đảm quyền con người. Nếu nghĩ thế là chưa chắc bởi nó không hiệu quả. Mình làm thật sự vì quyền của con người hay là vì có cái quy trình đó để người ta biết mình vì quyền con người. Một người nghiện gây ra bao nhiêu hậu quả cho xã hội thì phải có cách xử lý phù hợp. Chúng ta phải tính toán rõ tác động giữa hành vi tiêu cực của số ít người nghiện và quyền được sống an toàn của đại bộ phận người dân lương thiện, không thể để số ít người nghiện đe dọa đến đời sống cộng đồng được.
* Giải pháp nào để giải quyết được mấu chốt vấn đề này, thưa ông?
- Để có một giải pháp tốt hơn thì chúng ta cần thẳng thắn nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng vấn đề một cách toàn diện, xem lại cách chỉ đạo giải quyết đã tập trung chưa, quyết liệt chưa. Phải có một quyết tâm chính trị nhưng bấy lâu nay mình cứ nói chung chung vậy thôi. Chúng ta cần phải cụ thể trong cái quyết tâm đó, nếu không thì không làm được gì hết. Cứ đến xuân thu nhị kỳ rồi họp nhưng thực tế thì vẫn diễn biến phức tạp.
Trong rất nhiều việc cần phải làm ngay, làm có hiệu quả thì việc trước tiên bây giờ là anh phải đánh giá lại các quy định hiện hành bất cập ra sao, mức độ mâu thuẫn với thực tế thế nào để sửa ngay. Không sửa thì đừng nói đến việc triển khai, bởi nếu triển khai thì cũng không hiệu quả gì cả. Chính phủ nên thẳng thắn đánh giá lại vấn đề tệ nạn ma túy, người nghiện. Các địa phương như TP.HCM, TP.Hà Nội và các tỉnh, thành khác cũng đánh giá một cách nghiêm túc, thẳng thắn mô hình cai nghiện tại cộng đồng, tại gia đình. Chúng ta phải mạnh dạn sửa đổi, điều chỉnh điều chúng ta đã quy định mà không phù hợp thực tiễn. Tôi nghĩ đừng tự ái chỗ này. Không phù hợp thì phải sửa. Người làm thì bị ràng buộc, bị trói buộc, bị níu kéo lẫn nhau mà ở trên cứ để vậy thì sao được. Phải sửa chứ!
Tôi nghĩ phải tập trung hết sức để giải quyết vấn nạn này, đừng để người nghiện là nỗi ám ảnh. Rõ ràng qua thực tiễn của TP.HCM, tập trung người nghiện đi cai thì tội phạm giảm hẳn, mà để người nghiện “lòng vòng ngoài đường” thì dẫn đến tình trạng người nghiện hút chích công khai tại nơi công cộng và khu dân cư, tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội của TP, gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Thực trạng này không chỉ người dân mà chính quyền TP cũng rất bất an và lo lắng. Người nghiện tăng quá nhanh gây ra nhiều bất ổn về an ninh, trật tự. Nạn trộm cắp, cướp giật do người nghiện gây ra rất nhiều rồi.
Trong những thời điểm đặc biệt chúng ta phải sử dụng giải pháp đặc biệt, dù giải pháp đó dẫu không hoàn thiện 100%. Tính tự nguyện của người nghiện giới hạn ghê gớm lắm nên bắt buộc cai nghiện tập trung để cắt cơn, ổn định tâm lý, dạy văn hóa, dạy nghề... cần phải được chú ý đến đầu tiên, giúp họ có cơ hội làm lại cuộc đời. Đây là việc làm giành giật lại tính mạng con người, sự sống của người nghiện chứ hoàn toàn không phải là chuyện cưỡng bức, không phải là chuyện ghét bỏ gì cả.
Riêng việc để người nghiện cai nghiện tại cộng đồng thì phải có sự sàng lọc, giám sát chặt chẽ, có cơ chế ràng buộc trách nhiệm cụ thể của từng bên liên quan. Chúng ta không thể để tất cả họ tràn lan ngoài cộng đồng hết được với cái gọi là cai nghiện tại cộng đồng chung chung.
* Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM
Ông Đỗ Khắc Tuấn, Phó chánh án TAND TP.HCM
Tân Phú - Phan Thương
|
Bình luận (0)