Do cách quản lý lỏng lẻo lạ đời, Việt Nam trở thành miếng đất màu mỡ cho những kẻ lười biếng hoặc làm ăn chụp giựt. Ước tính, riêng TP.HCM có khoảng 4.000 công dân các nước đang cư ngụ và kinh doanh bất hợp pháp.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ những người da đen - Ảnh: Hải Nam |
Tối 28.12.2015, các lực lượng chức năng của Bộ Công an phối hợp với công an TP.HCM đột xuất kiểm tra chung cư K. ở quận Gò Vấp. Hàng trăm thanh niên da đen bỏ chạy tán loạn vì “có tật giật mình”. Người bình thường không ai lại hành động như vậy. Sơ bộ, hàng chục người bị tạm giữ vì không một mảnh giấy tùy thân; có người đã an cư cả chục năm.
Ai cũng giật mình vì sự phi lý. Tôi đi khắp ASEAN và mấy chục nước khác, chưa thấy nước nào quản lý hộ khẩu và chứng minh thư chặt chẽ và nhiêu khê như Việt Nam. Vào nhà nghỉ, khách sạn nào cũng phải nộp chứng minh nhân dân và hộ chiếu, từng khách một. Mấy nhà nghỉ và khách sạn bình dân, lâu lâu lại bị công an lại gõ cửa nửa đêm, kiểm tra thường trú. Lần đầu hú hồn, và khó chịu, chẳng biết chuyện gì mà công an chộn rộn trước cửa. Vài lần sau quen dần, chuyện lạ xứ người thành bình thường xứ mình. Khổ nhất là mấy người quen ngủ kiểu tự nhiên, phải vội vội vàng vàng khoác quần áo mới ra mở cửa. Lại càng tăng thêm sự nghi ngờ của cơ quan chức năng, làm gì mà không ra ngay?
Thông tin báo chí cho biết, bà con chung quanh phản ánh, số dân châu Phi này (hơn một nửa là Nigieria), thuê nhà chung cư, mua xe máy, mở quán kinh doanh đủ thứ, ồn ào mất trật tự, làm nhiều chuyện chướng tai gai mắt. Họ thường kết thân với số phụ nữ trung niên, lượn lờ tình tứ, dập dìu như phố đèn đỏ. Nhiều người tự hỏi, “mới kiểm tra một chung cu đã lộ ra hàng trăm người nước ngoài cư ngụ bất hợp pháp. Nếu tổng kiểm tra cả thành phố, có khi đến hàng ngàn?”. Không có nửa mảnh giất tùy thân mà thuê nhà, mua xe, mở quán được thì đúng là chuyện lạ. Người Việt cũng không thể chứ đừng nói là người nước ngoài. Quản lý kiểu gì khó hiểu thật.
|
Do cách quản lý lỏng lẻo và lạ đời, Việt Nam lâu nay trở thành miếng đất màu mỡ cho những kẻ lười biếng hoặc làm ăn chụp giựt. Ước tính, tại thành phố khoảng 4.000 công dân các quốc gia, nhiều nhất là châu Phi, sau đó là Trung Quốc đang cư ngụ và kinh doanh bất hợp pháp. Trong khi các nước, thủ tục visa rất dễ dàng nhưng họ kiểm soát chặt chẽ đầu vào nên kẻ xấu rất khó trà trộn.
Nước nào cũng có “blacklist” (danh sách đen) những nước bị hạn chế nhập cảnh vì công dân nhập cư lậu hoặc quậy phá. Việt Nam cũng có tên trong blacklist một số nước. Trái ngược với các nước, thủ tục visa vào Việt Nam rườm rà, nhiêu khê làm khó khách đoàn nhưng lại dễ dàng bôi trơn với khách lẻ. Chỉ cần vài chục USD là vô tư. Nhập cảnh xong, vứt hết giấy tờ, gia nhập đội quân thất nghiệp. Họ làm đủ nghề để sinh nhai. Lương thiện thì ít, chụp giựt thì nhiều. Từ kinh doanh trốn thuế, buôn lậu, lập băng đảng cho đến mại dâm nam. Tôi không vơ đũa cả nắm, bởi có nhiều người nước ngoài qua Việt Nam chí thú làm ăn. Các cầu thủ chẳng hạn. Nhưng số nhiều hơn đang là gánh nặng cho xã hội, làm rối loạn trật tự kỷ cương của đất nước. Ngân sách đang phải “nuôi báo cô” và xử lý hàng ngàn người như vậy.
Tình hình đã đến mức báo động khẩn cấp. Phải có biện pháp cứng rắn, quyết liệt và triệt để xóa bỏ vấn nạn này. Một mặt siết chặt thủ tục nhập cảnh khách đi lẻ, thậm chí buộc phải có người bảo lãnh công dân những nước mà thế giới đưa vào danh sách đen. Đồng thời đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh cho công dân các nước, ưu tiên đi theo đoàn vì có các công ty du lịch bảo lãnh. Một mặt, tiến hành tổng kiểm tra công dân các nước đang sinh sống tại Việt Nam, nhất là các chung cư bình dân, các khu phố lao động. Kiên quyết xử phạt và trục xuất những thanh phần bất hảo để thanh lọc môi trường sống. Một mặt xử lý thích đáng các cơ quan quản lý và những người Việt tiếp tay, “nối giáo cho giặc”. Phải làm việc trước với các cơ quan ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình của dư luận trong và ngoài nước. Mềm mỏng nhưng kiên quyết, nghiêm khắc nhưng thấu tình đạt lý.
Đừng để chuyện đến mức quá muộn.
Bình luận (0)