Đừng để sự quan tâm trở thành “độc hại” với con cái

15/06/2019 18:20 GMT+7

Cha mẹ phải quan tâm, kiểm soát và giáo dục con, nhưng nếu ở mức độ quá mức sẽ vô tình trở thành “liều thuốc độc” với con mình. Chính vì thế, đùng để sự quan tâm trở nên “độc hại’ với con cái.

Trong buổi tọa đàm cùng tiến sĩ tâm lý giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhiều bạn trẻ đã chia sẻ câu chuyện của chính mình khi có những phụ huynh vô tình định nghĩa tình thương bằng sự quan tâm và kiểm soát quá mức, khiến các bạn không được sống cuộc đời của chính mình mà như đang sống thay cho bố mẹ. Vì thế, các bạn rất mong những bậc phụ huynh đừng để sự quan tâm trở thành "độc hại" với con cái.

Kiểm soát quá mức có bảo vệ được con?

Mở đầu buổi tọa đàm, Nguyễn Thị Thanh Hằng, thành viên nhóm dịch tâm lý học tội phạm TP.HCM, cũng là 1 trong các dịch giả của cuốn sách Cha mẹ độc hại, Hằng chia sẻ có 6 kiểu cha mẹ độc hại như định nghĩa của tác giả cuốn sách, đó là cha mẹ không hoàn hảo, chỉ trích, kiểm soát, bạo hành bằng lời nói, bạo hành thể xác và lạm dục tình dục con cái. Và Hằng chỉ ra bản thân bị kiểm soát và bạo hành bằng lời nói bởi người thân của mình.

Hằng kể từ nhỏ ba đi xuất khẩu lao động bên Nga, nên tuổi thơ, Hằng chỉ sống với ông bà ngoại và mẹ. Nhưng bà ngoại lại có lối giáo dục con cháu rất hà khắc, kiểm soát con cháu từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Không những thế còn hay chỉ trích. Khiến Hằng cảm thấy mình tự ti, không dám làm gì vì nghĩ mình chẳng làm được gì cả, mà càng như vậy thì càng củng cố sự tự ti của Hằng hơn nữa. Và để vượt qua được sự tự ti của chính bản thân mình, Hằng đã phải khó khăn biết nhường nào.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng chia sẻ tại buổi tọa đàm HOA NỮ

Hằng kể: “Nhiều lúc mình không nghe thì bà lại lớn giọng và nói “trứng mà đòi khôn hơn vịt, ta đẻ ra mẹ mày rồi mẹ mày mà hỗng lẽ bà mày lại không biết hơn mày sao?”. Chính những lời nói nặng lời của bà đã khiến cả tuổi thơ cứ nghĩ rằng mình là đứa tệ hại, mình ngu thật. Vì con nít mà, người lớn nói gì lại tưởng thật. Chính vì thế mà tự ti và thu mình lại. Đối với bà, bà luôn muốn can thiệp vào mọi quyết định của mình và mặc định đó là yêu thương con cái. Định nghĩa tình thương của bà không phù hợp với bản thân mình, mà như bà đang sống thay cuộc đời mình và quyết định mọi việc…”.

Trước câu chuyện của Hằng, tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng cho rằng nhiều phụ huynh hiện nay kiểm soát và bảo bọc con cái quá nhiều, nhưng hậu quả của điều này chúng ta không lường hết được.

Tiến sĩ Hồng minh chứng, có một người mẹ rất tự hào là con mình rất ngoan không chơi các thiết bị điện tử vì mình đã cấm đoán không cho chơi. Nhưng hàng xóm của chị này thì nói: “Đúng là chị ấy không cho con xài, nhưng đứa con lại sang nhà mượn điện thoại của con em xài, mà người mẹ đâu có biết nên cứ tưởng là con mình không biết xài”.

Từ câu chuyện này, tiến sĩ Hồng nhấn mạnh: “Phản ứng của đứa con đối với những cha mẹ kiểm soát thật ra không phải một chiều, tức là sẽ có những đứa con khuất phục và những đứa con này thật sự không trưởng thành. Nhưng cũng có những đứa con sẽ tìm cách để xoay xở, và như vậy rất là nguy hiểm. Cha mẹ tưởng kiểm soát là bảo vệ nhưng chính những lúc đó ba mẹ lại càng không bảo vệ được con mình. Không những thế, vô tình luyện cho con thói quen nếu ở mức độ tích cực thì đó là sự khôn ngoan, nhưng tiêu cực thì là sự giả dối. Chính vì thế, với những sự kiểm soát quá mức thì những tổn hại lên đứa con sẽ không thể nào lường hết được”.

Tiến sĩ Hồng cũng chia sẻ thêm: “Và rồi người con đó lớn lên sẽ không biết cách giáo dục con mình, ngoại trừ có đi học những lớp về cách làm cha làm mẹ. Còn lại hậu quả sẽ đi từ cực đoan này đến cực đoan khác. Trong đó sẽ có trường hợp là ngày xưa ba mẹ kiểm soát mình quá mức nên bây giờ có con sẽ rút kinh nghiệm và không kiểm soát mà buông thả luôn…”.

Nghe lời cha mẹ là có hiếu?

Thanh Hằng đặt câu hỏi: “Vậy nếu con cái thấy cha mẹ đang quá đáng, cha mẹ sai thì có nên nghe theo hay là không. Vì nếu cãi lại thì mang tội bất hiếu?”.

Ở khía cạnh này, tiến sĩ Hồng chỉ ra văn hóa phương Đông của mình là cha mẹ luôn phải là bề trên, và đương nhiên đây là điều hay, điều đúng nhưng nếu tuyệt đối quá thì trở nên vô lý.

“Vậy như thế nào là có hiếu, phải chăng cãi lời cha mẹ là bất hiếu? Khổng Tử đã nói rằng không phải mọi điều cha mẹ nói đều đúng. Như vậy nếu một đứa con nghe lời đúng của cha mẹ thì đương nhiên là có hiếu, nhưng nếu nghe lời sai của cha mẹ thì là bất hiếu. Vì biết cha mẹ sai mà làm theo cái sai đó thì sẽ có hậu quả, khi hậu quả xảy ra rồi thì cha mẹ sẽ có tội. Một đứa con mà làm cho cha mẹ mang tội sẽ là đứa con bất hiếu”, tiến sĩ Hồng nhìn nhận.

Bạn trẻ mong những cha mẹ đừng định nghĩa tình thương bằng sự quan tâm và kiểm soát con cái quá mức HOA NỮ

Một bạn trẻ tại chương trình thắc mắc: “Có những cha mẹ “độc hại” với con cái nhưng con cái họ lại thành công. Vậy cha mẹ có nên “độc hại” chút xíu để dạy con cái mình?”.

Tiến sĩ Hồng cho rằng khái niệm độc hại cũng nên hiểu theo một cách linh hoạt, chứ nếu không nhìn đâu cũng thấy cha mẹ nào cũng “độc hại” hết. Cha mẹ “độc hại” ở đây là những cha mẹ có những khuôn mẫu, hành vi có tính chất chủ lực là chủ yếu, và tạo nên những điều bất lợi, tổn thương lâu dài cho đứa con.

Cũng theo tiến sĩ Hồng, đôi khi sự kiểm soát với đứa con này là độc hại, nhưng với đứa con khác thì lại không, hay lại là vừa đủ. Một lời la rày với đứa này thì rất tốt nhưng với đứa con khác thì rất nguy hiểm. Cho nên sự độc hại này còn tùy thuộc vào con của mình là đứa trẻ như thế nào, và mỗi đứa có một kháng thể khác nhau.

“Mỗi người làm cha mẹ cần phải giới hạn được sự quan tâm, hướng dẫn, định hướng ở mức độ nào để phù hợp với từng đứa con. Vì những sự quan tâm, cứng rắc quá mức của chúng ta sẽ trở thành độc hại cho đứa con. Chúng ta cần phải trao đổi với con, để con chỉ ra mức độ kiểm soát của ba mẹ quá đáng với con như thế nào, rồi tương kế tựu kế để dạy dỗ con đúng mức”, tiến sĩ Hồng khuyên.

Tiến sĩ Hồng ví dụ như khi trao đổi con bảo “sáng con sẽ tự thức dậy mẹ đừng gọi con nữa, hay  từ nay để con tự chọn đồ, mẹ đừng chọn thay cho con nữa…”. Như vậy thì quá tốt, chúng ta sẽ để con tự làm, trả lại quyền tự quyết cho con và con sẽ tự chịu trách nhiệm với những điều mà con đã trao đổi. Và từ đó, nhân câu chuyện này thành cơ hội để giáo dục con, để con sẽ có trách nhiệm với bản thân.

Nhắc đến câu chuyện dạy con thế nào để không gây “độc hại” cho con, một ông bố trẻ 2 con tại chương trình, thắc mắc: “Bé lớn của mình 3 tuổi nhưng mỗi lần bé hư, nghịch thì phải dỗ ngọt bé mới chịu nghe lời. Nhưng nhiều lúc đi làm về với bộn bề công việc lại không thể kiềm chế được và la tiếng lớn với con… Rồi sau đó bình tĩnh lại thì thấy như thế là không nên. Nhưng nhiều khi nghĩ nếu cứ dỗ ngọt, sau này ra đời đâu phải ai cũng dỗ ngọt và chiều con. Vậy thì nên như thế nào?”.

Nghe ông bố trẻ này kể, tiến sĩ Hồng khẳng định những lúc lớn tiếng như vậy không phải là “độc hại” cho con mà đang dạy con.

“Vì bạn chỉ gắt với con bằng những ngôn ngữ không lời, còn lời của bạn rất tử tế, như vậy là rất ổn. Đây cũng là cách để mình dạy cho con sau này ra đời, nếu khi tức giận ai, thì con cũng được quyền bày tỏ, thổ lộ ra nhưng mà không được quyền xúc phạm, tấn công người khác. Nhưng cha mẹ cũng đừng có lúc nào cũng gắt, cũng trừng trừng với con vì con dễ bị tiêm nhiễm những điều đó. Vì thế cha mẹ cần biết cương nhu đúng lúc. Và cũng đừng để những quan tâm quá mức trở thành "độc hại" với con”, tiến sĩ Hồng chia sẻ.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.