Từ Q. Tân Phú qua Q.Bình Thạnh, qua Q.Tân Bình…, cây to tét nhánh, gãy đổ; cây nhỏ cũng quằn mình bật gốc; dây điện bị đứt nằm ngổn ngang… Những cơn mưa to, kèm dông gió sấm chớp bất chợt đầu hạ, là dấu hiệu cho thấy sự trở mình khác lạ của thời tiết.
Buổi sáng 15.4, trên đường vào cơ quan, tôi phải dừng lại ít phút trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) để các công nhân công ty cây xanh mé nhánh một cây sao cổ thụ. Dây thừng chằng chịt, xe thang vút lên cả chục mét, để rồi họ loay hoay cưa được một nhánh cây to cỡ cổ chân người lớn. Rồi sau đó dòng người lại lao vút đi.
Những loại cây xanh to cỡ ấy thường ít bật gốc, chỉ chú ý mé nhánh cho kỹ là khá an toàn, nhưng trên các con đường khu vực ngoại vi thành phố, do đường mới mở độ chục năm hay dăm năm trở lại, cây còn nhỏ, đường kính thân chỉ độ vài ba chục cm lại gãy đổ khá nhiều.
Các loại cây này, nếu trồng không đúng kỹ thuật, chăm chút không kỹ lưỡng, phát hiện lung gốc muộn sẽ là tai họa khó lường đối với người đi đường. Để ý, sẽ thấy cách trồng cây xanh ven các con đường mới mở, hay đã nâng cấp rất ẩu tả. Phần đất quanh gốc bị “bó lại” rất hẹp, chèn ép cây, cây trồng cắm gốc rất nông hoặc bị giành mất không gian bởi lấn chiếm vỉa hè, lại ít có cây chống đỡ, ràng buộc nên rất dễ đổ, dù có khi chỉ vì một cơn gió nhẹ…
Người viết cho rằng, hầu hết lý do khiến những cây bị bật gốc ngã đổ cần phải phân tích để khắc phục. Một là dành cho cây một khoảng đất rộng hơn, đào hố sâu và có khảo sát hố để cây bắt rễ được sâu hơn, không để các chướng ngại như bê tông xà bần cản lối phát triển của rễ. Hai là không được lấn chiếm phần không gian cần thiết cho cây và cành nhánh phát triển. Ba là phải có cây chống đỡ, ràng buộc chắc chắn, bởi cây trồng đường phố không có các cây bên cạnh để nương tựa như cây rừng, vả lại những con đường là nơi thênh thang gió lớn do không bị nhà cửa che chắn…
Tính về kỹ thuật trồng cây, chắc chắn các kỹ sư thuộc các đơn vị chức năng nắm rất rõ quy trình, từ cách chọn giống cây sao cho phù hợp, trồng tỉa bảo vệ như thế nào, và phát hiện các “lỗi” để kịp thời khắc phục ra sao… Nhưng, đáng nói là những công nhân thừa hành, có lẽ khi trồng khó có thể tuân thủ các quy trình được xem như điều kiện “cần và đủ” để cây lớn lên cho ô xy, bóng mát và đảm bảo an toàn. Đây là một "lỗ hổng” trong một hoạt động tối cần thiết liên quan đến sinh mạng người dân thành phố, không thể không “bịt” lại một cách quyết liệt và chặt chẽ.
Lý thuyết và các quy định đã có, nhưng với cách nhìn không có sự đề phòng từ xa trong cách trồng và chăm bón cây xanh đường phố, thì di họa của nó có khi đến rất gần. Mà bài học ấy đã nhãn tiền từ năm này sang năm khác, mỗi khi mùa mưa gió đến, thành phố đã phải đối diện cay đắng bằng sinh mạng người dân, bằng tài sản và vô số những hệ lụy khác.
Không thể nại bất cứ lý do gì, kiểu như không có nhân lực, đường mở ra quá nhiều hay vì các lý do khách quan như mưa to gió quá lớn… để biện minh cho sự tắc trách khiến phải đánh đổi bằng mạng sống con người. Cũng như không thể nhìn nhận một cách tiêu cực theo kiểu những cơn mưa do về đêm nên không xảy ra tai họa gì, để rồi thở phào nhẹ nhõm với từ “may mắn”. Không lo hằng ngày hằng giờ với những cảnh báo ấy từ thiên nhiên, thì rất dễ bị chuốc họa, rồi sau đó chỉ nói vài lời xin lỗi suông và bồi thường thiệt hại về người và tài sản như đã từng.
Cuộc sống mỗi người là vốn quý giá nhất. Ai sẽ phải đứng ra gánh trách nhiệm này, một khi vì tắc trách mà tai họa xảy ra?
Bình luận (0)