Cây xanh ngã, đổ gây tai nạn: Ai chịu trách nhiệm bồi thường ?

14/04/2021 05:20 GMT+7

Liên tiếp xảy ra những vụ cây xanh ngã, đổ gây hư hỏng tài sản, khiến người đi đường bị thương. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm và bồi thường ?

Như Thanh Niên thông tin, sau cơn mưa giông vào chiều 12.4, tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM một cây xanh có đường kính hơn 50 cm bất ngờ bật gốc ngã đè lên nóc ô tô, khiến tài xế bị kẹt trong xe. Cũng trong thời điểm này, trên đường Nguyễn Công Trứ, P. Nguyễn Thái Bình (Q.1, TP.HCM) đoạn gần đường Ký Con, hai người chở nhau trên xe máy cũng bị cây xanh bật gốc đè trúng.

Cây ngã đè Mazda, tài xế kẹt trong xe giữa mưa chiều ở Phú Mỹ Hưng

Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại

Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, luật sư (LS) Trần Minh Cường (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, các Điều 589, Điều 590, Điều 591 và Điều 604 bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) đã quy định: “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”. Hiện nay, tại TP.HCM, hầu hết các cây được giao cho Công ty TNHH MTV công viên cây xanh TP.HCM quản lý. “Do đó trường hợp cây gãy đổ thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV công viên cây xanh TP.HCM thì công ty phải có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại. Trường hợp cây nằm trong các khu dân cư mà chủ đầu tư chưa bàn giao dự án lại cho nhà nước quản lý thì chủ đầu tư các dự án này phải chịu trách nhiệm bồi thường”, LS Minh Cường cho biết.
Theo LS Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM là đơn vị dịch vụ công ích được UBND TP.HCM giao nhiệm vụ trồng cây, quản lý và chăm sóc cây xanh. Công ty này là đơn vị có trách nhiệm tiến hành chặt, tỉa cành những cây có nguy cơ gãy đổ cao trước mùa thiên tai, mưa bão đến gần; trồng, chăm sóc và quản lý cây xanh nên pháp luật buộc đơn vị này biết và phải biết cây xanh nào đến tuổi phải loại bỏ, cây nào bị sâu bệnh, thối rễ... Vì thế, cơ quan này là đơn vị chịu trách nhiệm trong việc xảy ra sự cố cây xanh ngã, đè chết người hoặc hư hỏng tài sản.
Liên quan câu chuyện cây xanh ngã đổ làm người đi đường bị thương hoặc gây chết người, LS Cường nhận định: “Người bị thiệt hại và người có trách nhiệm bồi thường có thể thỏa thuận với nhau về việc bồi thường. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì bên bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường theo quy định tại BLDS”.

Cây xanh ngã trúng xe máy làm hai người bị thương tại Q.1

ẢNH: TRẦN TIẾN

Về mức bồi thường, LS Tuấn cho biết, đơn vị này phải có nghĩa vụ bồi thường về thiệt hại tài sản bao gồm thiệt hại do tài sản bị mất; tài sản bị hủy hoại, hư hỏng; thiệt hại về tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm, gồm: thiệt hại tính mạng; chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe, tổn thất tinh thần…

Gió giật mạnh, cây xanh ngã đổ, 2 người đi đường bị thương ở Q.5, TP.HCM

“Trường hợp bất khả kháng” thì không phải bồi thường

Tuy nhiên, theo LS Tuấn, trong một số trường hợp, dù thiệt hại có xảy ra nhưng nạn nhân sẽ không được bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng. Theo quy định tại khoản 2, điều 584, BLDS 2015: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Cây xanh bật gốc trên đường Nguyễn Công Trứ (Q.1, TP.HCM)

ẢNH: ĐÀO NGUYÊN

Liên quan khái niệm “sự kiện bất khả kháng”, LS Minh Cường lưu ý: “Theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 thì sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Nếu lường trước được mà để xảy ra thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm. Tính chất không lường trước được, tính chất không thể tránh được và không thể chống đỡ được phải được xem xét, đánh giá cụ thể trong từng trường hợp. Mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể như trên, tuy nhiên thực tế, để xác định một sự kiện là bất khả kháng thì còn nhiều tranh luận”.
LS Cường phân tích: “Nếu chủ sở hữu cây xanh muốn chứng minh sự cố bất khả kháng trong trường hợp này (do mưa bão) thì phải chứng minh được việc mình đã thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, như: kiểm tra, cắt tỉa nhánh cây rộng, hư hỏng, kiểm tra gốc rễ trước khi xảy ra mưa bão, nhưng sau đó vẫn xảy ra hậu quả thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng của bên thứ ba”.
Theo LS Tuấn, nếu cây xanh ngã đổ trong hoàn cảnh thời tiết bình thường, không phải sự kiện bất khả kháng và gây chết người thì đơn vị quản lý cây xanh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Bởi vì, theo LS Tuấn, đơn vị quản lý cây xanh phải biết tình trạng của cây xanh do mình quản lý, nếu cây ngã đổ là do khâu quản lý, chăm sóc cây yếu kém, thiếu trách nhiệm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.