SEA Games 31 còn hơn 1 tháng rưỡi nữa khởi tranh, trong đó một số môn sẽ thi đấu sớm nên đòi hỏi Ban tổ chức (BTC) nước chủ nhà phải hoàn tất việc chuẩn bị ngay trong tuần đầu của tháng 5.2022. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khối lượng công việc khổng lồ vẫn đang trở thành thách thức cực lớn đối với ngành thể thao. Bên cạnh sự an tâm phần nào về cơ sở vật chất, rất nhiều “hạng mục” vẫn chưa có cách giải quyết, trong khi thời gian đã quá gấp gáp.
Trường bắn súng tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội |
HOÀNG QUÂN |
Một quan chức ngành thể thao chia sẻ: “Hầu hết thiết chế thể thao ở Hà Nội và các địa phương đã được hoàn thiện do lãnh đạo các tỉnh, thành đã vào cuộc khá quyết liệt. Ví dụ như Nhà thi đấu Tây Hồ ở Hà Nội vì từng được trưng dụng làm trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung điều trị người mắc Covid-19 nên cách đây chưa lâu vẫn để các giường bệnh, đồ dùng điều trị; nhưng hiện tại các đơn vị có liên quan đã dọn dẹp, trả lại mặt bằng. Nhiều công trình quan trọng khác cũng đã sẵn sàng cho việc tổ chức các môn tại đại hội. Nhưng vấn đề cấp thiết khác là trang thiết bị tập luyện và thi đấu của SEA Games 31 vẫn đang rất thiếu. Nhiều khoản cần chi trong số tiền hơn 300 tỉ đồng được cấp từ ngân sách nhà nước chưa được chi vì vướng cơ chế. Chúng tôi thực sự bối rối. Làm thì cứ làm nhưng nhiều công việc không thông, thậm chí có việc có thể sẽ không kịp tiến độ nếu không giải quyết ngay”.
Cấp nốt 449 tỉ đồng cho Sea Games 31
Ngày 1.4, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 414/QĐ-TTg bổ sung 449 tỉ đồng cho BTC SEA Games 31. Quyết định nêu rõ: “Bổ sung 449 tỉ đồng từ nguồn dự toán chi sự nghiệp thể dục thể thao của ngân sách T.Ư năm 2022 để chuẩn bị, tổ chức SEA Games 31, trong đó bổ sung cho 4 bộ, cơ quan T.Ư là 378,3 tỉ đồng; bổ sung cho TP.Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư là 70,7 tỉ đồng. Các bộ Tài chính, VH-TT-DL chịu trách nhiệm toàn diện về tính đầy đủ, chính xác của nội dung và số liệu báo cáo”. Đầu tháng 1.2022, khoản tiền đầu tiên đã được Chính phủ cấp cho BTC là hơn 300 tỉ đồng.
Trong nhiều bài phản ánh trước đây, Báo Thanh Niên từng đề cập việc vì thời gian quá ít ỏi nên ngành thể thao không thể tiến hành đấu thầu quốc tế (vì trang thiết bị nhiều môn phải đặt hàng ở nước ngoài). BTC phải tính đến việc đi mượn. Nên nhớ rằng, SEA Games 31 là cơ hội để các môn thể thao được đầu tư, giúp các VĐV không chỉ được sử dụng trang thiết bị tập luyện hiện đại trong quá trình thi đấu tại đại hội mà còn sau này. Trong trường hợp phải đi mượn hay thuê, ngành vừa mất tiền mà tương lai VĐV đỉnh cao không được thụ hưởng. Mới đây, giám sát quốc tế của môn cử tạ khi đến VN kiểm tra thiết bị tạ SEA Games 31 đã không hài lòng vì tạ quá cũ, không tương thích giữa tạ tập và tạ thi đấu nên yêu cầu phải thay ngay.
Thông thường, các trang thiết bị phải được lắp đặt và chạy thử 3 tháng trước bất kỳ giải đấu nào, nhưng vì khó khăn khách quan mà phải đến giữa tháng 4, hoặc thậm chí muộn hơn là cuối tháng 4 một số môn mới được chạy thử thiết bị. Bắn súng may hơn cả vì trường bắn tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội đã đi vào vận hành sớm nhất, từ giữa tháng 3. Các tuyển thủ không bị rơi vào cảnh thiếu đạn trầm trọng như trước mà hiện được cấp 200 viên/ngày.
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Ủy ban TDTT, nguyên Trưởng đoàn thể thao VN tại nhiều kỳ SEA Games, chia sẻ: “Tôi thấu hiểu những khó khăn chồng chất mà BTC SEA Games 31 đang gặp phải. Dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến quá trình chuẩn bị của VN chúng ta. SEA Games 22 năm 2003 khi VN tiến hành tại sân nhà, đại hội đã thành công rực rỡ bởi có sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Chính phủ; sự vào cuộc tích cực, chủ động của các địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành và đặc biệt là sự lăn xả hết mình của bộ máy thực hiện. Hiện tại, trung tâm điều hành của SEA Games 31 đang đối mặt với nhiều công việc chưa có được cách giải quyết, trong khi từ nay đến ngày diễn ra đại hội không còn dài. SEA Games 31 có Ban chỉ đạo với người đứng đầu là thành viên Chính phủ, là một lợi thế của BTC và ban điều hành. Vậy, theo ý kiến cá nhân tôi, BTC, trung tâm điều hành, Tổng cục TDTT cần phải cập nhật thường xuyên, báo cáo thường xuyên về tiến độ với Ban chỉ đạo, bao gồm cả những việc làm được hay chưa làm được, cả thuận lợi và khó khăn”.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Minh, khi Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT không tác động được đến các bộ ngành có liên quan thì Ban chỉ đạo sẽ có tiếng nói trọng lượng, chỉ đạo các cơ quan có liên quan cùng nhập cuộc một cách mạnh mẽ, đồng bộ, không để công việc bị chậm trễ, ảnh hưởng đến tình hình chuẩn bị chung. Khó khăn về kinh phí, khó khăn về thủ tục, ngành thể thao cần xin ý kiến ngay. Nếu trong trường hợp không thể kịp đấu thầu thì với vai trò cao nhất, Ban chỉ đạo cũng có thể cho cơ chế chỉ định thầu và cử bộ phận giám sát chỉ định thầu. Miễn sao mọi công việc tiến hành khẩn trương, đúng các quy định của pháp luật.
Bình luận (0)