Đừng để trẻ em đơn độc

Thúy Hằng
Thúy Hằng
29/05/2022 07:05 GMT+7

Dịch Covid-19 mang tới những tổn thương cả về sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ. Chăm sóc trẻ em sau dịch Covid-19, bên cạnh lo cho con bữa ăn giấc ngủ, cũng xin đừng để những đứa trẻ đơn độc trong hành trình trưởng thành.

Đó là chia sẻ của bác sĩ Phan Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Nhi - Nhiễm, Bệnh viện Q.8 (TP.HCM), nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6 sắp tới.

Trẻ em đọc sách tại Ngày sách và văn hóa đọc TP.HCM lần 1 năm 2022

nhật thịnh

Chăm sóc trẻ sau dịch Covid-19

Bác sĩ Phan Thị Thanh Hà cho biết hiện tại những tổn thương hậu Covid-19 ở trẻ em chưa có biểu hiện rõ ràng. Thời gian qua, khoa Nhi - Nhiễm tiếp nhận một số phụ huynh đưa con đến khám với lý do thấy con than khó thở, mệt mỏi, lo lắng con bị hậu Covid-19 như người lớn; tuy nhiên khi chụp X-quang và đo chức năng hô hấp chưa phát hiện những tổn thương rõ ràng.

“Tuy nhiên, mùa này đang có dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng ở trẻ nhỏ, khi thấy trẻ em ho, sốt và có những biểu hiện bất thường, cảm giác trẻ không khỏe, phụ huynh cần đưa ngay con tới bệnh viện để khám tầm soát, nghe những lời khuyên của bác sĩ để kịp thời điều trị”, bác sĩ Hà nói.

Theo bác sĩ Hà, phụ huynh không nên hoang mang nếu trẻ bị nhiễm Covid-19. Khi được ăn uống đầy đủ chất, chế độ nghỉ ngơi hợp lý, đồng thời các con (từ 5 - 17 tuổi) đã được tiêm vắc xin Covid-19 sẽ sớm bình phục.

Cần lưu ý gì trong chăm sóc trẻ sau thời gian nhiễm Covid-19, trẻ nên tuân thủ chế độ ăn uống như thế nào? Theo Trưởng khoa Nhi - Nhiễm, Bệnh viện Q.8, cần cho trẻ ăn uống đủ chất với 4 nhóm thực phẩm (đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin - khoáng chất) với tỷ lệ cân đối và thích hợp, ăn chín, uống sôi. Ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống đủ nước, từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày. Chú ý không uống nước ngọt có ga hay trà sữa thay cho nước lọc.

Đáng chú ý, theo bác sĩ Hà, hiện đang là mưa nắng thất thường, trẻ dễ mắc các bệnh cảm cúm, sốt; do đó càng cần chú ý sức khỏe trẻ em hơn.

Thời tiết thay đổi thất thường cũng khiến thức ăn dễ ôi thiu, phụ huynh cần chú ý chỉ cho trẻ ăn thức ăn được nấu trong ngày. Cần giữ cho trẻ đường hô hấp sạch, đường tiêu hóa sạch để tăng sức đề kháng. Cần quan tâm khi thấy trẻ mệt mỏi, biếng ăn, cơ thể có những thay đổi khác lạ để kịp thời đưa con tới các cơ sở y tế để kiểm tra”, Trưởng khoa Nhi - Nhiễm nói.

Tháo gỡ những khó khăn tâm lý ở trẻ

Bác sĩ Phan Thị Thanh Hà cho hay bước ra khỏi đại dịch Covid-19, nhiều em nhỏ gặp phải những tổn thương sâu sắc trong tâm lý khi cô đơn một thời gian dài, học trực tuyến liên tục, không được gặp gỡ thầy cô, bạn bè. Khi quay về trạng thái bình thường mới, đến trường học trực tiếp thì áp lực từ việc phải đuổi theo kịp chương trình học đè nặng lên học sinh. Đặc biệt với những bạn sắp thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT thì áp lực học tập càng nặng nề hơn.

Do đó, theo bác sĩ Thanh Hà, sau thời gian đại dịch, phụ huynh, thầy cô, nhà trường cần là những người bạn đồng hành cùng con, tháo gỡ những khó khăn tâm lý ở trẻ, để các con giảm stress. Phòng tâm lý học đường ở mỗi trường học càng cần thiết tổ chức các hoạt động ngoại khóa để chia sẻ cùng các con, dù ít nhất mỗi tháng mỗi lần. Bên cạnh giờ học, nên cho con chơi các môn thể thao, đọc sách, nghe nhạc nhẹ nhàng.

Khi thấy trẻ có những hành vi rối loạn tâm lý như bứt tóc, mất ngủ, chán ăn, buồn bã..., cha mẹ cần phát hiện sớm để kịp thời điều chỉnh. Bác sĩ Thanh Hà kể từng có một bệnh nhi vào khám, tóc bị mất cả mảng do tự nắm tóc rồi giật vì mẹ thường la mắng cháu khi học không tốt.

“Có bệnh nhi học THCS mới đây tới khám bị viêm loét dạ dày do thường xuyên nhịn ăn sáng, bỏ bữa, ăn vội vàng cho kịp giờ học, tâm trạng lo lắng căng thẳng về chuyện học tập. Khi tôi hỏi ra, con nói ba mẹ luôn trách tại sao năm trước đứng hạng 2, 3 mà giờ xuống hạng 5 trong lớp”, bác sĩ Thanh Hà chia sẻ.

“Rồi những chuyện trẻ tự tử báo chí đưa tin thời gian qua. Những câu chuyện đau lòng như vậy vẫn xảy ra. Là một người mẹ, tôi mong phụ huynh là người bạn của con, cố gắng kiên nhẫn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ước mơ của con. Đừng chỉ đặt ra yêu cầu về thứ hạng, điểm số. Cha mẹ cần đồng hành với con, vạch cho con một lộ trình phù hợp từ đầu năm về những mục tiêu con cần đạt được, như thi vào lớp 10, vào ĐH và động viên, cùng con thực hiện. Không thể nào chỉ 1 tháng học ngày đêm mà vào được trường chuyên hay đậu vào ĐH Y khoa. Nhiều người hay nói người lớn đi làm cực khổ kiếm tiền mới áp lực, bọn trẻ con chỉ có ăn, chơi, học hành thì áp lực gì, đó là sai lầm. Xin đừng để trẻ bơ vơ, cô độc trong thế giới của các em”, bác sĩ Thanh Hà bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.