Như Thanh Niên thông tin, trên diễn đàn dành cho học sinh (HS) Hà Nội, những ngày gần đây kết quả kiểm tra học kỳ 1 là đề tài được bàn luận sôi nổi. Một bảng điểm được chia sẻ gây xôn xao khi một HS THPT điểm trung bình 9,5, dù xếp loại HS giỏi nhưng chỉ xếp thứ 38 của lớp… Dù nhiều ý kiến tỏ ra ngạc nhiên vì lớp quá nhiều "siêu nhân", nhưng cũng không ít HS bình luận tỏ ra "hiểu chuyện", rằng điều này không hề hiếm gặp, muốn điểm thế nào sẽ có như thế.
Trong khi đó, theo hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, HS phải đạt 167 điểm trên tổng 17 bài kiểm tra cuối năm học, đồng nghĩa với việc chỉ được có tối đa 3 điểm 9 ở cấp tiểu học, còn lại tất cả phải đạt điểm 10 mới được đăng ký dự thi. Bên cạnh đó, phụ huynh thậm chí phải làm đơn tập thể "cầu cứu" lên Sở GD-ĐT Hà Nội vì con họ điểm "toàn 10" nhưng vẫn chưa được đánh giá "hoàn thành xuất sắc" nên vẫn không được dự thi vào lớp 6 của trường này.
Trên địa bàn Hà Nội còn có một số trường THCS chất lượng cao khác như Cầu Giấy, Lê Lợi (Hà Đông), Thanh Xuân, Nam Từ Liêm… cũng áp dụng hình thức tuyển sinh căng thẳng tương tự. Nhiều phụ huynh thừa nhận để đăng ký dự thi vào các trường này, bố mẹ phải có "chiến lược" ngay từ khi con vào lớp 1, làm thế nào để học bạ "đẹp", cố gắng không có điểm 9 ở kỳ kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm học. Do vậy, dù từ lâu Bộ GD-ĐT đã ban hành các thông tư, hướng dẫn nhằm thay đổi đánh giá HS tiểu học theo hướng giảm tối đa chấm điểm, nhưng các nhà trường và phụ huynh vẫn rất nặng nề về điểm số.
Học sinh lãnh đủ
Phản hồi thông tin trên, nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng việc này do người lớn, trong đó có cả phụ huynh, chạy theo thành tích mà ra. "Tôi không hiểu vì sao nhiều phụ huynh cứ muốn con mình phải đứng nhất, đứng nhì trong khi việc trang bị những kỹ năng mềm cũng là điều rất cần thiết. Nhìn các bạn chật vật đi học thêm cũng đủ hiểu áp lực điểm số không còn nhưng áp lực cạnh tranh vẫn hiện hữu. Không giải quyết triệt để thì khổ nhất vẫn là các em nhỏ", BĐ Minh Khôi ý kiến.
Tương tự, BĐ Thanh Nhàn nêu quan điểm: "Điểm số chỉ phản ánh đúng một vấn đề, không thể nào lột tả được toàn bộ việc giáo dục hiện nay. Nhiều khi không cần đến điểm số nhưng thầy cô, các trường học vẫn cạnh tranh lẫn nhau và điều đó cũng gây áp lực không nhỏ với các học sinh. Các bạn nhỏ học là để tiếp thu kiến thức, chứ không phải để hơn thua nhau".
Bên cạnh việc chỉ ra "căn bệnh thành tích" giữa các trường, giữa cấp dưới với cấp trên, giữa các phụ huynh khiến HS lãnh đủ thì nhiều ý kiến cũng cho rằng cần xem xét việc đổi mới đánh giá có được thực hiện nghiêm túc không, còn vướng mắc ở chỗ nào thì gỡ ngay để thực hiện tốt. "Không phải nói đổi mới là xong, cần nghiêm túc xem xét vấn đề này đã được thực hiện một cách triệt để hay chưa và còn điều gì tồn đọng cần phải khắc phục không. Chứ đã đổi mới rồi mà nhà trường, thầy cô, phụ huynh vẫn chạy theo thành tích thì HS vẫn còn khổ dài dài", BĐ Phuc Nguyen ý kiến.
Cùng quan điểm, BĐ Tran Minh viết: "Chúng ta nỗ lực rèn luyện, học tập để ngày càng thông thái hơn chứ không phải để hơn thua nhau. Với tôi, việc đổi mới đánh giá là điều cần thiết nhưng phải thực hiện một cách toàn diện. Chứ không còn áp lực điểm số nhưng vẫn còn sự cạnh tranh giữa các trường, các HS thì cũng không tránh khỏi áp lực. Mà cái gì càng áp lực càng khó mang lại hiệu quả cao".
"Điểm số mục đích là đánh giá, phải giữ đúng chức năng của nó. Tránh bệnh thành tích trước tiên ở trường học. Nhận thức xã hội, làm thế nào để biến đổi nhận thức chung, không còn kỳ thị ở điểm thấp. Một đứa trẻ giỏi toán hay giỏi văn chỉ cần giữ gìn phát huy năng lực đó. Những môn xung quanh chỉ cần điểm trên trung bình thì vẫn được bình xét giỏi ở bộ môn. Như vậy khi xác định bé giỏi toán và cần nhiều thời gian hơn để học, thì trường học nên có lớp bồi dưỡng riêng, và giảm thời gian các môn học phụ khác như mỹ thuật, âm nhạc, thể dục... Như vậy mới là một hệ thống giáo dục linh hoạt, có tính giáo dục, định hướng, bồi dưỡng tài năng", BĐ Xoi Bap phân tích.
Ở đây không phải là tại điểm số mà là tại bệnh thành tích giữa các nhà trường, giữa cấp dưới với cấp trên.
Thanh Minh
Bỏ tuyển sinh theo học bạ là chính xác, chính việc tuyển sinh bằng điểm học bạ làm cho điểm số của HS toàn là 9, 10.
Trung Sơn
Bỏ đi điểm số nhưng tư tưởng cạnh tranh còn thì các em còn áp lực. Tại sao không tính đến chuyện kết hợp học tập với các hoạt động ngoại khóa, vừa giảm áp lực cho các bạn nhỏ, vừa giúp các bạn trang bị kỹ năng mềm?
Duy Sang
Bình luận (1)
mai mốt học lấy thi học kỳ tổ chức chéo, học trường quận này thì thi trường quận khác. lấy kết quả thi của các em mà đánh giá năng lực giáo viên và điều chỉnh thực tiễn