Đổi mới đánh giá sao áp lực điểm số vẫn nặng nề?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
15/01/2024 06:05 GMT+7

Dù Bộ GD-ĐT ra các quy định đổi mới cách đánh giá, chấm điểm học sinh từ tiểu học đến THPT với mong muốn thực chất và ít áp lực hơn, nhưng đánh giá bằng điểm số vẫn vô cùng nặng nề khi tuyển sinh còn yêu cầu xét học bạ "đẹp như mơ".

ÁP LỰC ĐIỂM "TOÀN 10"

Trong bữa cơm tối trước kỳ kiểm tra học kỳ 1 vừa qua, một bà mẹ nói với con gái tên N. đang học lớp 5 một trường tiểu học ở TP.Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang): "Nếu học kỳ này con bị một điểm 9 thì mẹ sẽ cắt hết việc chiều theo các sở thích của con". Đứa trẻ đang ăn, mặt xị xuống, mếu máo. Hỏi ra thì được biết gia đình đang đặt mục tiêu cho con thi vào lớp 6 của trường THCS "trọng điểm" duy nhất ở TP.Bắc Giang nên ngoài yêu cầu điểm số trong học bạ phải "đẹp" thì N. sẽ phải trải qua một kỳ thi rất khốc liệt với 3 môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh. Do vậy, từ lớp 2, cô bé đã kín lịch học thêm 3 môn này, không có một ngày nghỉ trong tuần.

Đổi mới đánh giá sao áp lực điểm số vẫn nặng nề?- Ảnh 1.

Đánh giá bằng điểm số vẫn nặng nề khi tuyển sinh còn yêu cầu xét học bạ “đẹp”

NHẬT THỊNH

Trên diễn đàn dành cho HS Hà Nội, những ngày gần đây, kết quả kiểm tra học kỳ 1 cũng là đề tài được bàn luận sôi nổi. Một bảng điểm được HS chia sẻ gây xôn xao khi một HS THPT điểm trung bình 9,5, dù xếp loại HS giỏi nhưng chỉ xếp thứ 38 của lớp… Dù nhiều ý kiến tỏ ra ngạc nhiên vì lớp quá nhiều "siêu nhân", nhưng cũng không ít HS bình luận tỏ ra "hiểu chuyện", rằng điều này không hề hiếm gặp, muốn điểm thế nào sẽ có như thế.

Trở lại câu chuyện phụ huynh ở Bắc Giang yêu cầu con phải đạt điểm toàn 10, nghe có vẻ lạ nhưng lại không phải là mong muốn của cá nhân. Ví dụ minh họa sinh động nhất có lẽ phải là chuyện tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam những năm gần đây. Kỳ tuyển sinh đầu năm học này, theo hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, HS phải đạt 167 điểm trên tổng 17 bài kiểm tra cuối năm học, đồng nghĩa với việc chỉ được có tối đa 3 điểm 9 ở cấp tiểu học, còn lại tất cả phải đạt điểm 10 mới được đăng ký dự thi. Bên cạnh đó, phụ huynh thậm chí đã phải làm đơn tập thể "cầu cứu" lên Sở GD-ĐT Hà Nội vì con họ điểm "toàn 10" nhưng vẫn chưa được đánh giá "hoàn thành xuất sắc" nên vẫn không được dự thi vào lớp 6 của trường này.

Trên địa bàn Hà Nội, còn có một số trường THCS chất lượng cao khác như THCS Cầu Giấy, THCS Lê Lợi (Hà Đông), THCS Thanh Xuân, THCS Nam Từ Liêm… cũng áp dụng hình thức tuyển sinh căng thẳng tương tự. Nhiều phụ huynh thừa nhận để đăng ký dự thi vào các trường này, bố mẹ phải có "chiến lược" ngay từ khi con vào lớp 1, làm thế nào để học bạ "đẹp", cố gắng không có điểm 9 ở kỳ kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm học.

Do vậy, dù từ lâu Bộ GD-ĐT đã ban hành các thông tư, hướng dẫn nhằm thay đổi đánh giá HS tiểu học theo hướng giảm tối đa chấm điểm, nhưng các nhà trường và phụ huynh vẫn rất nặng nề về điểm số.

ĐỔI MỚI ĐÁNH GIÁ VỚI MONG MUỐN THỰC CHẤT HƠN, NHƯNG…

Theo quy định mới về kiểm tra, đánh giá HS ứng với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD-ĐT đã có nhiều thay đổi. Ví dụ, ở cấp THCS và THPT bỏ quy định cộng điểm trung bình tất cả các môn học để đánh giá xếp loại. Bộ GD-ĐT cho rằng chủ trương của cách đánh giá mới là đánh giá vì sự tiến bộ của HS nên kết quả rèn luyện, học tập của học kỳ 2 sẽ là trọng số để đánh giá cả năm học. Ví dụ, học kỳ 1 loại khá, học kỳ 2 loại tốt thì cả năm HS đó sẽ được đánh giá loại tốt.

Đổi mới đánh giá sao áp lực điểm số vẫn nặng nề?- Ảnh 2.

Một bảng điểm được HS chia sẻ gây xôn xao khi một HS THPT điểm trung bình 9,5, dù xếp loại HS giỏi nhưng chỉ xếp thứ 38 của lớp

CHỤP MÀN HÌNH

Việc khen thưởng chỉ còn 2 danh hiệu là HS xuất sắc và HS giỏi, không còn khen thưởng HS tiên tiến nữa. Để được khen thưởng HS xuất sắc, HS phải đạt kết quả rèn luyện và học tập đều tốt nhưng yêu cầu cao hơn một mức, đó là kết quả học tập phải có ít nhất 6 môn đạt điểm tổng kết năm từ 9,0 trở lên. Danh hiệu HS giỏi thì chỉ yêu cầu HS đạt kết quả rèn luyện và học lực tốt.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), lý giải: trước đây, đánh giá điểm trung bình tất cả các môn học thì có hiện tượng là lấy môn nọ bù vào môn kia. Do đó, dẫn tới hiện tượng có môn ở mức rất cao, thậm chí 9,0 - 10, nhưng có thể tới nửa số môn còn lại chỉ ở mức khá. Và khi nhìn vào kết quả trung bình tất cả các môn thì đánh đồng các môn HS đều đạt điểm giỏi mà không biết mỗi HS có thế mạnh ở những môn nào…

Việc bỏ điểm trung bình cộng sẽ giúp nhìn kỹ vào bảng điểm tất cả các môn để biết HS đang có năng lực nổi trội ở môn nào, môn nào cần cố gắng hơn chứ không đánh đồng tất cả trong một kết quả chung. Mục đích của việc đánh giá này vừa để sát thực hơn kết quả học tập của HS, vừa giúp điều chỉnh trong quá trình giáo dục, phát huy thế mạnh của từng em cũng như giúp đỡ HS chưa đạt được kết quả như mong muốn ở từng mặt.

Tuy nhiên, cũng giống như ở cấp tiểu học, mong muốn của Bộ GD-ĐT trong kiểm tra, đánh giá là vậy nhưng điều mà HS và phụ huynh, các nhà trường quan tâm vẫn là việc các trường ở cấp học cao hơn sẽ tuyển sinh thế nào. Nếu các trường vẫn dùng học bạ để đánh giá, để tuyển sinh thì thậm chí việc giảm chấm điểm, có ít điểm số hơn lại càng căng thẳng hơn, áp lực hơn cho người dạy và người học vì phải dồn toàn lực cho những điểm số ít ỏi ấy khi không có nhiều đầu điểm để "bù đắp" nhau như trước kia, ít cơ hội để HS sửa sai hơn.

Áp lực đến từ việc học đến kiệt sức để đạt điểm cao tất cả các môn, áp lực còn đến từ việc tìm mọi cách, kể cả tiêu cực, để có điểm "đẹp" với lý do để tuyển sinh. Kết quả chênh lệch khi đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ mà Bộ GD-ĐT thực hiện nhiều năm qua đã là minh chứng rõ nhất.

Đề xuất bỏ xếp loại HS theo điểm số, bỏ tuyển sinh theo học bạ

Tại cuộc hội thảo về trường học hạnh phúc mới đây với sự tham dự của hàng trăm hiệu trưởng từ các tỉnh, thành, một đề xuất gây chú ý là bỏ xếp thứ tự HS theo điểm. Quan điểm này được thầy Phạm Khắc Chung, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (Đắk Nông), đưa ra.

Gần đây, một trong những nội dung mà nhiều cử tri bức xúc gửi chất vấn, kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT liên quan đến việc xét tuyển học bạ, dẫn tới tình trạng HS, phụ huynh và các nhà trường rất áp lực về điểm số, thậm chí dẫn tới tình trạng "làm đẹp học bạ", "chạy học bạ"…

Sau khá nhiều năm áp dụng hình thức xét tuyển học bạ kết hợp, có vẻ nhiều trường đại học (ĐH) cũng đã cảm thấy bất an khi có sự chênh lệch giữa học bạ "đẹp" và năng lực thực chất của sinh viên.

Theo đề án tuyển sinh mà Trường ĐH Ngoại thương mới công bố, có một điểm mới đáng chú ý của năm 2024 là ở các phương thức xét tuyển có sử dụng kết quả học tập THPT có thêm điều kiện là điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh phải đảm bảo mức sàn của trường (24 điểm trở lên - PV). Giải thích với báo chí về thay đổi này, PGS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho hay thứ nhất để thống nhất áp dụng điểm sàn thi THPT ở mức giỏi là 24 điểm cho các phương thức. Thứ hai là có thể sử dụng đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT như là một công cụ gián tiếp giúp các trường phổ thông chuẩn hóa công tác đánh giá HS.

"Đừng để trẻ phải ai oán về sau"

PGS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục VN) chỉ ra những tai hại khi người lớn cố ép bằng mọi cách để trẻ ở bậc tiểu học phải có điểm "toàn 10" trong học bạ: "Cho đến ngày những đứa trẻ 10 - 11 tuổi rất sốc khi lên cấp THCS, lần đầu tiên chúng được điểm dưới trung bình".

Phát biểu trong lễ khai giảng năm học này, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhắn nhủ với các thầy cô giáo tương lai: "Các em hãy nói đúng và nói thật, hãy dám rũ bỏ những thành tích ảo tưởng, vì nếu không nó sẽ trở thành căn cơ cho dối trá sau này. Xin hãy đừng vì những điểm số vô hồn, những bản học bạ đẹp mà trẻ phải ai oán về sau".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.