Khi thước đo thành tích chỉ dựa vào điểm số

14/01/2024 15:03 GMT+7

Nhiều phụ huynh vẫn thường bảo điểm số không quan trọng nhưng sự thật là họ vẫn so kè điểm số với 'con nhà người ta'. Nhiều người thường chép miệng khẳng định điểm nào cũng được nhưng thú thật, danh hiệu học sinh giỏi cùng những tấm giấy khen vẫn là đích đến duy nhất.

Mấy hôm trước, khi kết quả kiểm tra cuối kỳ đã công khai trên cổng thông tin điện tử để phụ huynh và học sinh cập nhật, tôi vào lớp chủ nhiệm cười hỏi các học sinh về kết quả thi cử  vừa qua. Cô trò hỉ hả cười bởi bạn này khoe được mẹ khen, bạn khác khoe được ông thưởng một trăm nghìn, bà dúi cho thêm… hai chục nghìn.

Khi thước đo thành tích chỉ dựa vào điểm số- Ảnh 1.

Mỗi học sinh có sở thích riêng, sở trường và sở đoản khác biệt nên đừng ép buộc con phải giỏi đều các môn, giỏi xuất sắc một cách toàn diện

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH

"Ba con nói mi nên đi giữ trâu"

Đến lượt Minh, con thật thà bảo: "Ba con nói mi nên đi giữ trâu". Tôi và các bạn trong lớp tròn mắt ngạc nhiên, hỏi điểm số các môn và được biết toán 9,5 điểm, văn 8,5 điểm, tiếng Anh 10 điểm. "Ồ, kết quả cao ngất ngưởng thế sao ba con còn chê?". Câu hỏi thắc mắc của tôi nhận được câu trả lời từ khuôn mặt bí xị của cậu học trò tuổi 12: "Dạ môn công nghệ con chỉ 7,5 điểm và giáo dục công dân điểm 8".

Một đứa trẻ đến trường phải giỏi đều các môn, điểm số cao ngất ngưởng phủ đều các môn mới đạt chỉ tiêu đề ra của phụ huynh ư? Dẫu sở trường và năng lực của mỗi bạn nhỏ có sự khác biệt thế nào đi chăng nữa thì thước đo thành tích xưa nay của người lớn vẫn luôn là ánh mắt săm soi vào những điểm số chưa hài lòng.

Lễ phép không bằng điểm số?

Một phụ huynh khá nghiêm khắc trong giáo dục con cái thỉnh thoảng vẫn nhắn tin với giáo viên bộ môn và chủ nhiệm để theo dõi sát sao việc học tập, rèn luyện của con trẻ. Con trai của anh là cậu bé lớp 6 học lực tốt và ngoan ngoãn, chỉ có điều con thường loay hoay trong giờ học. Tham khảo ý kiến của mẹ con, tôi được biết cá tính của trẻ vốn dĩ như vậy, thường ngày ở nhà cũng chẳng chịu ngồi yên nên thông cảm phần nào.

Điều tôi đặc biệt ấn tượng ở cậu học trò ấy là con cực kỳ lễ phép, không chỉ là tiếng "dạ", "thưa" trong từng câu trả lời hay lời thưa gửi thầy cô mỗi lúc gặp mặt. Tôi vẫn nhớ như in những lúc mình đứng trên bục giảng lớp khác, tình cờ hướng mắt ra ngoài cửa lớp gặp con đi ngang qua hành lang. Thấy cô giáo, con đứng lại vòng tay chào cô thật lễ phép khiến lòng tôi rưng rưng xúc động.

Hôm rồi phụ huynh lại nhắn tin hỏi han chuyện học, chuyện chơi của con. Tôi khen con lễ phép được nhiều thầy cô trong trường khen ngợi. Thế nhưng đáp lại là những câu trả lời chưa hài lòng của một người cha về kết quả kiểm tra chưa cao cũng như mối bận tâm về cái tính nghịch ngợm, loay hoay của trẻ.

Khi thước đo thành tích chỉ dựa vào điểm số- Ảnh 2.

Mỗi mùa thi, mỗi đợt kiểm tra là áp lực không nhỏ với học sinh trong đó có sự kỳ vọng từ phụ huynh

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH

Ngó lơ niềm vui học tập của con trẻ

Câu chuyện bạn trẻ ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã gồng gánh áp lực khổng lồ từ sự kỳ vọng của bậc sinh thành hẳn ngày càng nhiều. Hãy nhìn tuổi thơ của biết bao đứa trẻ đang mướt mồ hôi "chạy sô" theo các lớp học thêm để thấy rằng sự học hôm nay quả thật gian nan!

Nhiều người vẫn thường bảo điểm số không quan trọng nhưng sự thật là họ vẫn so kè điểm số với "con nhà người ta". Nhiều người vẫn thường chép miệng khẳng định thành tích nào cũng được nhưng thú thật, danh hiệu học sinh giỏi cùng những tấm giấy khen vẫn là đích đến duy nhất nên rất bận lòng mỗi khi trẻ không đạt ngưỡng mong muốn.

Chúng ta đang ngó lơ niềm vui trong học tập của trẻ, chỉ chăm chăm hối thúc con học, học và học. Chúng ta đang bỏ quên điều căn bản là mỗi bạn nhỏ có sở thích riêng, sở trường và sở đoản khác biệt mà ép buộc trẻ phải giỏi đều các môn, giỏi xuất sắc một cách toàn diện. Chúng ta đang vô tình lướt qua hành trình học tập với nỗ lực miệt mài, tinh thần vượt khó của con để rồi khi con đạt thành tích chưa cao lại buông tiếng thở dài, câu chỉ trích, lời chì chiết.

Rồi mỗi dịp cuối năm, mùa thi về cũng là mùa khoe điểm số và thành tích rục rịch giăng đầy trên mạng xã hội. Có bạn nhỏ nào buồn hiu vì không thể làm cha mẹ nở mày nở mặt, tiu nghỉu vì thua bạn, kém bè về thành tích, âu sầu đến mức trầm cảm vì đích đến trường chuyên lớp chọn, trường tốp đầu, lớp chất lượng cao vụt khỏi tầm với.

Thay đổi thước đo của sự hài lòng chỉ dựa vào điểm số, khó lắm thay!


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.