Phờ phạc, khóc sau kiểm tra học kỳ, cách nào để vực dậy tinh thần học sinh?

08/01/2024 10:33 GMT+7

Kiểm tra xong môn lý cuối học kỳ 1, L. (học sinh lớp 10 một trường THPT chất lượng cao tại Lâm Đồng), nhắn tin cho tôi: 'Ra bài toán (tự luận) vật kéo xiên góc là bài tủ của con, mà con bấm máy sai rồi thầy ơi!', L. cho biết, phần trắc nghiệm sai 4 câu nên bài lý dự kiến 8 điểm.

Khi học sinh khóc vì... kiểm tra

Đọc đề kiểm tra môn lý của trường, tôi thấy dài và có gây khó với học sinh lớp 10. L. chăm học mà còn lúng túng, các bạn khác có lẽ trắc trở nhiều với đề kiểm tra này.

Hôm L. đi học lại sau kỳ kiểm tra, tôi thật bất ngờ vì nét mặt phờ phạc của em. Tôi nghĩ, dường như L. vẫn còn sốc nên không hỏi nhiều vì lo em buồn hơn, chỉ nhắc nhẹ: "Còn nhiều điều quan trọng hơn điểm số". Giờ dạy bình thường như mọi khi nhưng tôi thì miên man về L., về kỳ kiểm tra…

Hôm sau, dạy nhóm học sinh lớp 12, tôi kể các em nghe chuyện có học sinh lớp 10 nặng trĩu vì không làm tốt bài kiểm tra lý. N., một học sinh trong lớp, cho biết: "Cứ đến kiểm tra học kỳ là em thức trắng đêm vì lo 'rớt' học sinh giỏi". Vừa rồi, N. không làm được bài môn hóa, vừa buồn lại lo ba mẹ mắng, em chỉ biết ôm gối… khóc.

Phờ phạc, khóc sau kiểm tra học kỳ, cách nào để vực dậy tinh thần học sinh?- Ảnh 1.

Học sinh các địa phương đã kết thúc đợt kiểm tra học kỳ 1, bắt đầu bước vào học kỳ 2 với nỗ lực, quyết tâm đạt kết quả tốt

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ra đề kiểm tra học sinh làm được mới khó, ra "đánh đố" thì … dễ

Kiểm tra là một khâu trong quá trình dạy học, giúp giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh đánh giá kết quả dạy học đồng thời tiếp tục có phương pháp thích hợp trong thời gian tới. Theo quy định, kết quả kiểm tra được dùng đánh giá người học, xét lên lớp, xét điều kiện dự thi (tốt nghiệp THPT), xét khen thưởng…

Được xếp loại xuất sắc, giỏi là thể hiện nỗ lực của học sinh, giúp các em khẳng định bản thân và để tương lai tốt đẹp. Nhưng để đạt được, học sinh cần tư vấn, hướng dẫn từ nhà trường, sự thấu cảm trong gia đình. Vì vậy, khi ra đề kiểm tra, giáo viên cần cân nhắc yêu cầu trên cơ sở hiểu thuận lợi, khó khăn của học sinh, "vốn" các em đang có; đặt mình trong hoàn cảnh học sinh; nắm chắc yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, của địa phương; thiết lập cấu trúc ma trận kiểm tra hợp lý, gắn với điều kiện dạy - học của đơn vị... Không nóng vội, không chủ quan vì ra đề kiểm tra để học sinh làm được mới khó, chứ ra "đánh đố" thì… dễ!

Học sinh làm bài kiểm tra với tất cả cố gắng sẽ bộc lộ những thông tin giúp thầy cô điều chỉnh cách giảng dạy sao cho hiệu quả nhất. Vì vậy, đề kiểm tra không nhất thiết phủ kín các nội dung mà chắt lọc giúp học sinh thêm cơ hội phát triển phẩm chất, năng lực. Sau này khi cần, các em biết truy cập, tổng hợp, phân tích và đưa ra quyết định đúng đắn, nhanh chóng, sáng tạo.

Truyền năng lượng tích cực, giúp các em tự tin trong học kỳ 2

Theo Chương trình GDPT 2018, học sinh lớp 10, 11 năm học này muốn đạt xuất sắc phải có ít nhất 6 môn từ 9.0 trở lên, không có môn nào dưới 6,5, các môn đánh giá bằng nhận xét đều đạt. Nhà trường, gia đình nếu thiếu hướng dẫn, động viên, chia sẻ thì yêu cầu này có khi phản tác dụng, gây căng thẳng cho học sinh.

Phờ phạc, khóc sau kiểm tra học kỳ, cách nào để vực dậy tinh thần học sinh?- Ảnh 2.

Các giáo viên, phụ huynh hãy bằng tình thương, trách nhiệm mà truyền năng lượng tích cực, giúp các em tự tin trong học kỳ 2

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH

Kết thúc một học kỳ, bên cạnh tuyên dương, khen thưởng học sinh đạt thành tích tốt, hãy quan tâm đến số học sinh cần cố gắng giúp các em vượt khó, tiến bộ. Tuyệt nhiên không so sánh các học sinh với nhau, càng không trách phạt, chê bai làm các em tổn thương. Hướng dẫn học sinh cách học, rèn luyện, cách tự học, cách sử dụng nguồn học liệu nhằm hiểu bài, biết làm các dạng bài tập từ nhận biết đến vận dụng, phương pháp làm bài.

Theo đề minh họa thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên cần nghiên cứu, dạy học, kiểm tra, cùng "diễn tập" để khi "vào trận" học sinh không lúng túng.

Xử lý kết quả rèn luyện, học tập là việc cần thiết đối với nhà trường, các tổ chuyên môn nhưng hãy bằng tình thương, trách nhiệm mà truyền năng lượng tích cực, giúp các em tự tin trong học kỳ 2.

Phụ huynh không nên nặng nề với kết quả học kỳ 1 chưa như mong muốn của con em mà cần gần gũi, khéo léo giúp các em bước ra khỏi lo âu, mặc cảm, buồn phiền. Bên cạnh đó, phụ huynh hãy cùng các em xây ước mơ trong năm mới và biết làm thế nào để đạt được ước mơ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.