Như Thanh Niên đã thông tin, câu chuyện Giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu bỗng dưng nhận được thông báo trúng tuyển vào Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM mới đây đã khiến dư luận "cười rụng răng" vì tình huống có một không hai này.
Đại diện Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM đã trả lời Báo Thanh Niên về nguyên nhân của trường hợp này là do nhầm lẫn từ dữ liệu thí sinh (TS) cung cấp. Đồng thời, ông Ngô Thanh Sang, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông của trường, đã có email xin lỗi GS Ngô Bảo Châu.
Trong mấy năm gần đây, tình huống "không đăng ký xét tuyển cũng trúng tuyển" là hiện tượng khá phổ biến. Cách đây 3 năm, gần 200 học sinh Trường THPT An Thới, H.Phú Quốc (Kiên Giang) cũng "bỗng dưng trúng tuyển" vào một trường ĐH ở TP.HCM. Ông Lê Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường THPT An Thới lúc bấy giờ, chia sẻ với báo chí rằng sau khi trường ĐH này về trường tư vấn, thấy số lượng học sinh đăng ký vào trường tương đối nhiều, nên để tránh từng em phải photo học bạ và tự gửi có thể dẫn đến thất lạc bản chính, ông Vân đã yêu cầu văn phòng gửi thông tin của học sinh cho trường ĐH.
Thạc sĩ Trần Hải Nam, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhận định: "Sở dĩ có chuyện không đăng ký xét tuyển cũng nhận được thông báo trúng tuyển, là vì các trường lấy dữ liệu TS từ trường THPT hoặc từ các ngày hội tuyển sinh, sau đó gửi thông báo trúng tuyển hàng loạt để hy vọng sẽ có thêm người học. Ngày nay TS và phụ huynh nắm rất rõ thông tin nên cách này thực chất không hiệu quả, thậm chí còn gây phản ứng ngược, bị tẩy chay".
Bên cạnh đó, thạc sĩ Nam cũng cho rằng có thể xảy ra tình huống TS đăng ký trực tuyến, phần điền địa chỉ email bị thiếu, bị sai hoặc gõ nhanh bị nhầm, khiến bộ phận tuyển sinh các trường sẽ gửi thông báo theo địa chỉ không đúng đó, dẫn đến tình huống "bỗng dưng trúng tuyển" như GS Ngô Bảo Châu mới đây.
"Tuy nhiên, nếu các trường kiểm tra kỹ thông tin về tên tuổi, căn cước công dân, học bạ… thì sẽ khó có sự nhầm lẫn", thạc sĩ Nam cho hay.
Chuyện cười không nổi
"Tôi đọc bài viết trên Báo Thanh Niên mà ban đầu cứ tưởng chuyện đùa. Ai ngờ lại là chuyện thật mà cứ như đùa! Đúng là cười không nổi. Những thông tin về tuyển sinh, đặc biệt là thông báo trúng tuyển, là rất quan trọng, sao lại có thể nhầm lẫn như thế được? Chuyện nhầm lẫn này đừng nghĩ chỉ là chuyện vui cười cái là xong, mà cần phải hết sức nghiêm túc làm rõ sự việc, có vậy thì mới tránh được những chuyện tương tự có thể xảy ra trong tương lai", bạn đọc (BĐ) Xuan Binh bình luận.
Cùng ý kiến, BĐ Hung Long viết: "Ai đời GS nổi tiếng như GS Ngô Bảo Châu mà "bây giờ mới nhận được thông báo trúng tuyển cao đẳng". Vấn đề là cần nghiêm túc làm rõ và có biện pháp hữu hiệu để không lặp lại những chuyện như thế".
Nói về việc nhầm lẫn này, một số BĐ khác cho là "chuyện thường". BĐ Orisan220320 cho biết: "Có thể là mấy bạn TS đăng ký vào đã nhập email nhầm lẫn thôi, việc này không trách trường được". Tuy nhiên, nhiều BĐ khác lại thắc mắc. BĐ congtyquocchinh@gmail.com hỏi: "Trùng tên là thường tình. Nhưng trùng email thì hơi lạ. GS Châu cũng đâu có xài những mail free như @yahoo, @gmail...?". BĐ Hiếu Quỳnh thì kể: "Tôi là cán bộ hưu trí nhưng cũng vừa nhận được giấy báo trúng tuyển vào ĐH H...".
Dữ liệu phải khoa học, chặt chẽ, chính xác
Từ câu chuyện "nhầm lẫn" trên, BĐ Lệ Đá kể và đặt vấn đề: "Cháu nội tôi vừa thi tốt nghiệp THPT xong thì nhận liền 3 thư mời nhập học của 3 trường ĐH (?!). Tôi thật sự không hiểu các trường ĐH kia lấy thông tin cá nhân của học sinh ở đâu mà gửi chính xác địa chỉ nhà ở của học sinh???".
Cùng quan điểm, BĐ Xuan Nguyen lưu ý: "Qua câu chuyện trên, tôi nghĩ các trường cần xem lại công tác tuyển sinh của mình, đặc biệt là khâu dữ liệu. Phải khoa học, chặt chẽ, chính xác tuyệt đối. Thông báo trúng tuyển mà có "nhầm lẫn" thì sẽ có những chuyện hết sức phiền phức có thể xảy ra mà hậu quả đôi khi khó lường hết được".
Cùng với đó, BĐ Khac Hieu cũng đề nghị: "Riêng tôi, rất mong các TS cũng hết sức nghiêm túc khi làm hồ sơ dự thi, phụ huynh cũng nên hướng dẫn các em. Trước đây, đã từng có TS lơ đãng thế nào mà ghi ngày sinh của mình là ngày 30.2 hoặc ngày 31.9 (không có những ngày này). Bây giờ thì có rất nhiều chương trình tư vấn mùa thi, với nhiều thầy cô, chuyên gia hướng dẫn cặn kẽ cho TS, nên ít xảy ra sai sót. Nhưng cũng không nên chủ quan, coi thường khi làm hồ sơ".
Bình luận (0)