‘Dừng điện hạt nhân không có nghĩa là không làm điện hạt nhân nữa’

Chí Hiếu
Chí Hiếu
08/05/2020 14:53 GMT+7

Theo Trưởng ban Kinh tế T.Ư, lý do lớn nhất phải dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là chi phí lớn trong lúc nợ công tăng nên chúng ta cần thêm thời gian để tích luỹ vốn, từng bước làm chủ công nghệ.

Trưởng ban Kinh tế T.Ư cho biết, việc Đảng, Nhà nước dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với lý do lớn nhất là chi phí lớn trong bối cảnh nợ công tăng, ngân sách khó, đồng thời chúng ta cũng cần thêm thời gian để tích luỹ vốn, chuyên môn nhằm từng bước làm chủ công nghệ hạt nhân.
Việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư, nhắc tới khi phát biểu tại Hội nghị báo cáo viên T.Ư quán triệt Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2045, tổ chức tại Ban Tuyên giáo T.Ư, hôm nay, 8.5.
Trong bài trình bày của mình, khi nhìn lại hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 18 năm 2007 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, ông Bình cho biết, Nghị quyết 18 cùng với Kết luận 26 năm 2003 của Bộ Chính trị đã đưa ra những mục tiêu, định hướng và cả các nhóm chính sách "đã rất đúng và trúng".
Điển hình như nhóm chính sách đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia gắn với đảm bảo an ninh xã hội, an ninh quốc phòng, hay nhóm chính sách về giá năng lượng dần dần bỏ bao cấp để thị trường hoá cũng là bước tiến vì nếu cứ bảo thủ thì không có đủ nguồn vốn cho đầu tư vào năng lượng. Hoặc nhóm chính sách cho các ngành năng lượng mới, năng lượng tái tạo, điện hạt nhân...
Tuy nhiên, việc thực hiện Kết luận 26 và Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị cũng có những mặt còn hạn chế. Một trong số đó được ông Bình nhắc tới là việc đào tạo bổ sung đón đầu một số lĩnh vực còn yếu, chưa thực sự gắn kết với yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trong năng lượng mới và tái tạo, năng lượng sinh học, lọc hoá dầu, điện hạt nhân…
Khi nhắc tới điện hạt nhân, ông Bình cho rằng, việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Đảng, Nhà nước quyết định sau khi cân nhắc một cách cẩn trọng với nhiều lý do.
“Lý do lớn nhất là chi phí. Nếu chi phí cao thì chúng ta không chịu nổi trong bối cảnh khi đó là nợ công, nợ nước ngoài đều đã cao, ngân sách thì khó khăn. Cho nên, trước mắt chúng ta chọn cách phát triển các nguồn khác”, ông Bình nói, song nhấn mạnh thêm rằng: “Nhưng dừng không có nghĩa là chúng ta không phát triển điện hạt nhân nữa. Việc dừng là để chúng ta tích luỹ thêm về vốn, chuyên môn, từng bước làm chủ các công nghệ hạt nhân mới yên tâm vận hành các nhà máy. Vì an toàn là vấn đề rất quan trọng”.
Theo Trưởng ban Kinh tế T.Ư, công nghệ hạt nhân không chỉ phục vụ điện mà còn nhiều lĩnh vực khác, cho nên, chúng ta phải tiếp tục học tập, tích luỹ công nghệ hạt nhân.
“Chúng ta phải liệu cơm gắp mắm. Ai cũng biết đi ô tô thì tiện nghi, an toàn hơn xe máy, xe đạp nhưng nếu chưa đủ điều kiện thì xe mua xe máy thôi. Khi có thêm tiền thì học lái ô tô đi cho an toàn. Nghĩa là ta biết hướng lên nhưng cũng phải phù hợp với thực tiễn”, ông Bình nói.
Ngày 22.11.2016, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, sau khi đã có chủ trương thực hiện từ năm 2009.
Tại buổi họp báo sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết dừng dự án, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cũng cho hay, việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 được T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ cân nhắc rất kỹ lưỡng trên cơ sở điều kiện kinh tế của Việt Nam tại thời điểm hiện tại.
Lý do chủ yếu là sau khi cân đối lại các nguồn lực phát triển kinh tế trong tình hình hiện nay, lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ thấy rằng cần ưu tiên nguồn lực cho các dự án lớn, cấp bách hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.