|
Từ đêm 30.11 đến sáng qua, tình trạng bạo lực vẫn xảy ra tại khu vực xung quanh tòa nhà hành pháp, nghị viện và văn phòng của Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh ở khu Kim Chung. Theo tờ South China Morning Post (SCMP) của Hồng Kông, cảnh sát dùng vòi rồng, hơi cay và dùi cui để chặn người biểu tình trong khi đám đông đội nón bảo hộ và mang khẩu trang rượt đuổi nhiều nhân viên công lực và đánh hạ ít nhất một cảnh sát. Tình trạng trên khiến nhiều cơ quan chính quyền và nghị viện Hồng Kông phải đình chỉ hoạt động trong ngày 1.12. Tính đến 14 giờ ngày 1.12, đã có ít nhất 58 người bị thương, trong đó có 11 cảnh sát, theo SCMP. Nhà chức trách cũng đã bắt giữ 40 người ở Kim Chung và 12 người ở khu Vượng Giác.
Chiều 1.12, Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh kêu gọi người biểu tình rút lui, đồng thời cảnh báo “sự khoan dung của chính quyền đã đến mức giới hạn” và họ “không nên lầm tưởng cảnh sát không có khả năng giải quyết”. Cục trưởng Cục Bảo an Lê Đống Quốc thì cáo buộc người biểu tình “muốn làm tê liệt hoạt động của chính quyền” và cảnh báo đó là việc “không thể dung thứ”.
Mặt khác, tình trạng bạo lực kéo dài cũng gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ phong trào biểu tình khi có nhiều người muốn dùng “biểu tình vũ lực” để đáp trả cảnh sát. Theo SCMP, thậm chí đã xảy ra một vụ thành viên nhóm biểu tình OC dùng vỏ chai tấn công các “đồng đội” thuộc Tổng hội Sinh viên (HKFS) vì cho rằng HKFS “quá nhu nhược khiến nhiều anh em bị thương”. Đáp lại, HKFS tiếp tục kêu gọi bình tĩnh và lập luận rằng tấn công cảnh sát không giải quyết được vấn đề mà tạo cớ để chính quyền mạnh tay hơn. Tổng thư ký HKFS Châu Vĩnh Khang cho hay sắp tới nhóm này sẽ cân nhắc rút lui hay tiếp tục hợp sức với các nhóm khác.
Căng thẳng Anh - Trung Quốc Anh và Trung Quốc đang lời qua tiếng lại liên quan đến việc một nhóm nghị sĩ Anh muốn đến Hồng Kông để xem xét tình hình và “điều tra về tiến trình dân chủ”. Phía Trung Quốc đã cảnh báo sẽ không cấp thị thực cho nhóm nghị sĩ này và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Doanh tuyên bố nếu nhóm nghị sĩ Anh vẫn tiếp tục ý định của mình thì đây sẽ là “sự đối đầu công khai”. Theo bà Hoa, Bắc Kinh đã nhiều lần phản đối “kế hoạch có thể gây bất lợi cho quan hệ song phương của các nghị sĩ Anh”. Trong khi đó, Reuters dẫn lời Thủ tướng Anh David Cameron ngày 1.12 nói quyết định của Trung Quốc “là sai lầm và gây thêm quan ngại về tình hình Hồng Kông”. |
Văn Khoa
>> Thủ tướng Anh: 'Trung Quốc làm tăng quan ngại tại Hồng Kông
>> Biểu tình Hồng Kông trước lựa chọn: 'Bạo lực hay không bạo lực?
>> Người biểu tình Hồng Kông cố chiếm trụ sở chính quyền
>> Hồng Kông đang bị hủy hoại
Bình luận (0)