Chậm ngày nào, đội vốn ngày đó; chậm ngày nào, an toàn của hàng triệu khách hàng bị đe dọa ngày đó…, nhưng rất nhiều dự án trọng điểm, đang trong tình trạng cấp bách vẫn bị ách lại vì vướng... cơ chế.
UBND TP.HCM mới có văn bản kiến nghị trung ương nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù để phân cấp, phân quyền cho TP và các tỉnh, thành được quyết định các dự án đường sắt đô thị (metro). Lý do là thủ tục trình duyệt dự án phải qua nhiều cấp, có thể dẫn đến chậm triển khai gây đội vốn, tăng chi phí… Đó là chưa kể tình trạng kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và xã hội.
Đây là thực tế đang xảy ra với hầu hết các tuyến metro tại TP. Đơn cử tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được phê duyệt lần đầu vào năm 2007 với tổng mức đầu tư gần 17.400 tỉ đồng. Sau đó, tư vấn chung của dự án tính toán và xác định lại, tổng mức đầu tư vào năm 2009 là hơn 47.300 tỉ. Thời điểm này dự án lại thuộc diện phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Thế nhưng, tính đến thời điểm hiện tại đã gần 7 năm trôi qua, vốn cho dự án vẫn tắc vì chưa được trình Quốc hội xem xét. Đến đầu tháng 2 vừa rồi, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã gửi thư đến Quốc hội, Chính phủ, cũng như kiến nghị các bộ ngành có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 1 tại kỳ họp sớm nhất. Và mới nhất như nói trên, TP đang xin cơ chế tự quyết để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Tương tự, hàng triệu người thường xuyên đi máy bay đang nơm nớp khi 2 đường băng ở 2 sân bay lớn nhất cả nước là Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và Nội Bài (Hà Nội) sụt, lún, hư hỏng nặng. Dù việc hư hỏng đã được Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV) báo cáo, trình kế hoạch sửa chữa nhiều tháng nay, nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa có ý kiến. Vì thế, ACV dù có ngân sách, nóng lòng muốn sửa chữa vẫn chỉ biết trét, trám lại chỗ hư hỏng rồi dùng tiếp chứ không thể tự ý sửa chữa. Chuyện nghe tưởng đùa nhưng là sự thật.
Các dự án bị ách tắc đều được đổ lỗi do cơ chế, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Với dự án metro số 1, từ năm 2011, các bộ, ngành có thẩm quyền đều đồng thuận với lý do tăng vốn của TP.HCM. Dựa trên đó, Thủ tướng đã ra chỉ thị cho TP phê duyệt tổng mức đầu tư 47.325 tỉ đồng. Thế nhưng suốt nhiều năm sau đó, dự án vẫn không được trình ra Quốc hội. TP đã nhiều lần kiến nghị các bộ sớm trình; các bộ thì nói TP chưa có tờ trình. Hay việc 2 đường băng hư hỏng, ACV đã báo cáo xin ý kiến cả nửa năm nhưng vẫn không nhận được câu trả lời. Những sự chậm trễ này, đâu thể đổ lỗ do “cơ chế”.
Đó mới chỉ là 2 dự án, còn hàng trăm, hàng ngàn dự án chậm trễ thì sự thiệt hại cho nền kinh tế, sự lãng phí nguồn lực trong xã hội biết bao nhiêu?
Bình luận (0)