Dùng kỳ thi Anh, Mỹ xét tuyển vào ĐH của Việt Nam

19/01/2018 08:02 GMT+7

Điểm đặc biệt của tuyển sinh ĐH năm nay là các trường ĐH không chỉ áp dụng hình thức đánh giá năng lực để xét tuyển mà thậm chí còn sử dụng cả kết quả của các kỳ thi nổi tiếng trên thế giới để xét chọn thí sinh vào trường mình.

ĐH Quốc gia Hà Nội xét kết quả kỳ thi SAT, A-Level
Từ năm 2021 Trường ĐH Kinh tế quốc dân tuyển sinh theo dạng bài thi SAT
Theo đề án tuyển sinh của Trường ĐH Kinh tế quốc dân, định hướng tuyển sinh từ năm 2021 trở đi của trường là kết hợp đa phương thức, thực hiện 2 kỳ tuyển sinh/năm (vào mùa thu và mùa xuân). Các phương thức gồm: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, của các trung tâm khảo thí quốc gia, của nhóm tuyển sinh chung (nếu có); Xét tuyển kết hợp tương tự hiện nay có cập nhật, bổ sung và hoàn thiện phù hợp với thực tiễn; Tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng theo dạng bài thi đánh giá năng lực tương tự SAT.
Theo thông báo của ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2018 ĐH này sẽ tuyển sinh trên 8.500 chỉ tiêu cho 105 chương trình đào tạo chuẩn, chất lượng cao, tiên tiến, tài năng.
Năm nay ĐH này xét tuyển bằng nhiều phương thức. Bên cạnh việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, thi đánh giá năng lực của chính ĐH này tổ chức mà mùa tuyển sinh 2018 vẫn còn hạn sử dụng thì trường còn căn cứ vào kết quả kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test) của Mỹ và chứng chỉ quốc tế Cambridge International Examinations A-Level (Anh) để tuyển sinh.
Đặc biệt năm 2018, là năm đầu tiên ĐH này xét tuyển căn cứ. Được biết, kỳ thi đánh giá năng lực gần đây nhất mà ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức diễn ra vào tháng 8.2016. Theo quy định của ĐH Quốc gia Hà Nội, kết quả của kỳ thi này có giá trị xét tuyển ĐH vào các đơn vị thành viên là 24 tháng.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết trường hợp sử dụng kết quả kỳ thi SAT để tuyển sinh, dự kiến sẽ xét hồ sơ với những thí sinh (TS) đạt từ mức điểm 65% so với điểm tối đa. Việc dành bao nhiêu chỉ tiêu cho TS xét tuyển bằng kết quả thi SAT sẽ do các đơn vị thành viên quyết định và thông báo cụ thể trước khi nhận hồ sơ xét tuyển.
GS Đức cho biết, khi mở rộng diện tuyển sinh với TS có kết quả thi SAT, ĐH Quốc gia Hà Nội muốn hướng tới những TS học ở các trường hoặc các chương trình quốc tế. Còn với TS học chương trình phổ thông trong nước, thường những TS đã có mức điểm SAT cao thì đồng thời cũng sẽ có kết quả kỳ thi THPT quốc gia cao, đủ để trúng tuyển vào ngành mong muốn tại ĐH Quốc gia Hà Nội.
Năm nay, ĐH này phát triển thêm nhiều chương trình đào tạo theo hướng liên ngành và xuyên ngành nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 trong thời gian tới. Các chương trình đào tạo mới tuyển sinh gồm: công nghệ kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật robot, công nghệ hàng không vũ trụ, khoa học thông tin địa không gian...
Ngoài ra, nhiều chương trình đào tạo truyền thống được chuyển đổi theo hướng mô hình chất lượng cao. Hầu hết các chương trình đào tạo đều sử dụng tổ hợp xét tuyển bài thi ngoại ngữ nhằm đảm bảo năng lực ngoại ngữ cần thiết để TS theo học tốt các chương trình đào tạo đáp ứng vị trí việc làm trình độ quốc tế sau khi tốt nghiệp.
ĐH Quốc gia TP.HCM thêm phương thức đánh giá năng lực
Chiều 18.1, ĐH Quốc gia TP.HCM đã tổ chức cuộc họp về công tác tuyển sinh ĐH chính quy năm 2018. Theo nguồn tin riêng của Báo Thanh Niên, ĐH này đã thông qua đề án tuyển sinh, trong đó có phương án xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do chính ĐH này tổ chức trong năm nay.
Theo đề án này, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tuyển sinh dựa trên nhiều phương thức khác nhau, trong đó phần lớn chỉ tiêu sẽ xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia (trừ Trường ĐH Quốc tế chỉ dành 15% xét kết quả này). Bên cạnh đó, các trường còn thực hiện xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT và quy định riêng của ĐH này.
Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH này tổ chức chỉ sử dụng cho một phần chỉ tiêu của các đơn vị thành viên. Cụ thể, theo phương án tuyển sinh đã công bố, Trường ĐH Khoa học tự nhiên dành 20% chỉ tiêu các ngành và nhóm ngành cho phương thức xét tuyển này, Trường ĐH Quốc tế dành 10%, Trường ĐH Bách khoa dành 10%...
Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được xây dựng theo hướng tiếp cận các bài thi chuẩn hóa nhằm xét tuyển đầu vào ĐH của Mỹ (SAT) và Anh (TSA-Thingking Skills Assessment).
Đây là một bài thi tổng hợp được ra ở dạng đề trắc nghiệm gồm 100 câu hỏi với thời gian làm bài 150 phút. TS sẽ thực hiện bài thi này trên giấy và có thể lựa chọn định dạng đề thi bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
Bài thi sẽ đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của TS như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, phân tích, tổng hợp giải quyết vấn đề. Nội dung được tích hợp đầy đủ về kiến thức và tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản. Trên cơ sở đó sẽ đánh giá khả năng suy luận, giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng nhớ hay thuộc bài của thí sinh.
Trường ĐH Luật TP.HCM giảm tỷ trọng điểm bài kiểm tra năng lực
Chiều 18.1, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Luật TP.HCM đã công bố đề án tuyển sinh năm 2018.
Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết năm nay trường dự kiến tăng chỉ tiêu từ 1.600 lên 1.900. Đáng chú ý, trường sẽ điều chỉnh tỷ trọng các tiêu chí trong xác định điểm trúng tuyển so với năm 2017. Cụ thể, tổng điểm trúng tuyển sẽ gồm 10% điểm học bạ, 60% điểm thi THPT quốc gia và 30% điểm bài kiểm tra năng lực (các tỷ lệ năm trước là 10% - 50% - 40%). Như vậy, năm nay khi xác định điểm chuẩn trường giảm tỷ lệ điểm bài kiểm tra năng lực do trường tổ chức và tăng điểm kỳ thi THPT quốc gia.
Theo đề án này, Trường ĐH Luật TP.HCM sẽ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực. Việc tuyển sinh sẽ thực hiện qua 2 bước (bước 1 xét tuyển, bước 2 kiểm tra năng lực) với 3 tiêu chí (xét điểm học bạ, xét điểm kỳ thi THPT quốc gia và điểm của bài kiểm tra năng lực).
Hà Ánh


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.