29 con tàu cá vỏ thép của ngư dân Bình Định đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, có trang thiết bị hiện đại, trị giá từ 15 - 20 tỉ đồng, nhưng không mua được bảo hiểm, bị ngân hàng buộc nằm bờ suốt mấy tháng qua, cứ ngỡ như chuyện đùa.
Đây không phải là lần đầu tiên tàu vỏ thép ở tỉnh này bị “mắc cạn”! Từ khi nhận bàn giao tàu vỏ thép vào cuối năm 2016 đến nay, nhiều ngư dân Bình Định trở thành nhân vật quen thuộc với bạn đọc Báo Thanh Niên trong các bài báo về tàu vỏ thép liên tục bị hư hỏng... Năm 2016 - 2017, tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 được nhà nước hỗ trợ 90% chi phí bảo hiểm. Tháng 7.2018, nhà nước giảm mức hỗ trợ bảo hiểm tàu vỏ thép xuống còn 50% nên các ngư dân phải trả số tiền bảo hiểm hàng chục triệu đồng. Đến tháng 7.2019, hết hạn bảo hiểm, nhiều chủ tàu vỏ thép ở Bình Định liên hệ mua bảo hiểm mới thì Công ty bảo hiểm Pjico liên tục trì hoãn. Không mua được bảo hiểm, phía ngân hàng (cho vay vốn đóng tàu) không cho tàu vỏ thép ra khơi vì sợ gặp rủi ro trên biển sẽ khó thu hồi được vốn vay.
Đại diện Công ty bảo hiểm Pjico khẳng định chưa dừng và không có chỉ đạo dừng bán bảo hiểm đối với tàu cá đóng mới theo Nghị định 67. Tuy nhiên, thời gian qua, số vụ tàu vỏ thép bị chìm trên biển gây tổn thất toàn bộ không kiếm được xác tàu để làm rõ nguyên nhân ngày một gia tăng khiến các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thua lỗ, đồng thời luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ ngày 1.1.2019 có một số quy định mới... gây vướng mắc trong quá trình bán bảo hiểm cho tàu cá.
Nghị định 67 của Chính phủ ra đời phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội; phù hợp trong giai đoạn gìn giữ bảo vệ chủ quyền trên biển. Đừng lấy lý do lỗ lãi trong kinh doanh bảo hiểm và các thủ tục phát sinh để làm khó ngư dân.
Bình luận (0)