Lâu nay, cứ nhắc đến chữ “game” là mọi người nghĩ ngay đến "những thứ bạo lực, vô bổ". Báo chí, đặc biệt là các trang mạng đã góp phần không nhỏ tạo nên định kiến ấy. “Giết người lấy tiền chơi game”, “đánh nhau vì mâu thuẫn trong game”, “đột quỵ vì chơi game liên tục”... có lẽ chúng ta không còn lạ lùng gì những bài báo như vậy. Thực tế game không phải là một cái gì đó xấu xa như báo chí miêu tả, họ chọn viết về những mặt xấu, làm nổi bật nó, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không có lỗi trong việc góp phần làm xấu đi hình ảnh về “game”.
Tại Việt Nam, báo chí vẫn còn khá “nhẹ tay” với game. Không được “may mắn” như chúng ta, các game thủ Philippines gần đây liên tục phải hứng chịu những bài báo chỉ trích gay gắt những tác động tiêu cực của game, thậm chí một số còn chỉ đích danh game Dota 2. Trong một bài phát biểu gần đây, CEO của Mineski Gaming, ông Ronald Robin đã nhận định rằng báo chí Philippines thực sự đang “thiếu hiểu biết về cộng đồng game” trong nước.
Với thách thức lớn là phá bỏ định kiến xấu về game, hãy cùng xem cộng đồng eSports Philippines đã lên kế hoạch như thế nào để đạt được mục tiêu ấy.
Thống nhất các tổ chức eSports
Nếu bạn muốn cộng đồng công nhận eSports là loại hình thể thao chuyên nghiệp, bạn phải cho họ thấy được sự chuyên nghiệp đó. Một môn thể thao luôn phải có những quy tắc chung thống nhất, rõ ràng. Ở Philippines hiện nay, có rất nhiều các tổ chức thể thao điện tử lớn, nhưng lại thiếu đi một cơ quan chủ quản chung, chịu trách nhiệm đưa ra những chuẩn mực và mục tiêu rõ ràng để đưa cộng đồng đi lên.
Như chúng ta biết, các tổ chức chuyên nghiệp này luôn cạnh tranh nhau, nhưng nếu không có sự hợp tác cũng như thỏa hiệp nhằm xây dựng lại hình ảnh về một cộng đồng chung chuyên nghiệp, có định hướng rõ ràng thì sớm muộn các tổ chức này cũng chẳng còn sân chơi mà cạnh tranh.
Ngay lúc này, điều cần thiết nhất là đưa ra được những chuẩn mực về vận động viên, đội game, đơn bị quản lý, giải đấu và các sự kiện liên quan. Những câu hỏi được đặt ra là các tổ chức eSports chuyên nghiệp muốn xây dựng hình ảnh như thế nào về thể thao điện tử? Chúng ta muốn vận động viên đạt được những gì từ game? Liệu rằng họ có phải là hình mẫu lí tưởng để người hâm mộ nhìn vào không?
Bằng những mục tiêu chung rõ ràng, các tổ chức sẽ có sự hợp tác chặt chẽ hơn, xây dựng cộng đồng thể thao điện tử chuyên nghiệp hơn. Điều này không chỉ giúp thể thao điện tử thu hút được tài trợ cũng như chuyên nghiệp hơn trong mắt báo chí, mà còn có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng không chuyên. Mọi người nhìn vào sẽ không nghĩ kia là đám trẻ vô tích sự chỉ biết cắm mặt vào game, đơn thuần chúng chỉ đang chơi môn thể thao chúng yêu thích, giống cái trò người ta hay thi đấu trên TV.
Chơi có trách nhiệm và ý thức
Phải chấp nhận một sự thật rằng, game bị gán với bạo lực hay bỏ bê học hành (với các game thủ vị thành niên) là có lý do. Tuy nhiên chẳng ai có thể bắt một người, dù chơi game hay không, học thật chăm nếu người đó đã không muốn. Chơi game có ý thức và trách nhiệm không có nghĩa là phải học điên cuồng, còn có nhiều việc chứng tỏ rằng chơi game giúp bạn cái thiện bản thân mình.
Một khi mọi người đã ghét bạn, họ sẽ trở nên vô cùng khắt khe, chỉ cần một bài báo không tốt về game xuất hiện trên mạng xã hội, kèm theo là những bình luận không đẹp của một vài “con sâu làm rầu nồi canh”, ngay lập tức đó sẽ là những bằng chứng rõ ràng nhất về việc cộng đồng game chỉ toàn là một lũ trẻ ranh thiếu giáo dục. Thay vì gân cổ lên đôi co, làm “anh hùng bàn phím”, hãy bắt đầu bằng những điều nhỏ nhất như xếp hàng có ý thức tại một sự kiện game hay bỏ rác vào thùng ở quán net. Từ những điều nhỏ nhặt ấy, hình ảnh của cộng đồng game sẽ được cải thiện trong mắt mọi người.
Cởi mở hơn với thế giới bên ngoài
Một trong những lý do khiến hễ việc gì xấu liên quan đến game ngay lập tức tràn lan trên báo chí Philippines là vì mọi người thực sự không hề biết được những mặt tốt mà cộng đồng game nước này đã đạt được. Cứ cho rằng chơi Dota 2 sẽ giúp nâng cao khả năng làm việc nhóm và tính kiên nhẫn, nhưng thực sự thì chúng ta đã làm gì để mọi người biết đến điều đó? Chúng ta muốn được tôn trọng, vậy chúng ta đã làm gì để xứng đáng? Chúng ta nói mọi người không biết gì cả, nhưng chúng ta đã làm gì để hai bên hiểu nhau hơn?
Lấy trẻ em làm ví dụ, chẳng bậc cha mẹ nào muốn con mình học chửi bậy và hành xử không đúng mực vì chúng học được khi chơi game. Còn chúng ta cũng không muốn chơi game cùng bọn trẻ con, chơi cùng bọn này thực sự rất mệt mỏi và chỉ tổ ôm bực vào người. Họ không muốn con họ chơi, chúng ta cũng không muốn con họ chơi. Quá tốt! hai bên cùng chí hướng, tại sao không cùng ngồi lại và bàn về việc giới hạn độ tuổi chơi một số trò chơi. Như vậy các bậc cha mẹ không còn phải lo con mình nhiễm thói hư tật xấu, còn chúng ta thì thoát được một đám chuyên “phá game”. Bằng việc ngồi lại với nhau, hai bên sẽ hiểu thêm nhiều điều và tự cải thiện mình.
Trên đây là những điều mà cộng đồng thể thao điện tử nói chung và cộng đồng Dota 2 nói riêng tại Philippines đang cố gắng thực hiện để thay đổi cái nhìn của xã hội về game. Còn tại Việt Nam thì sao, liệu chúng ta có thể đưa thể thao điện tử đi lên trong mắt mọi người, hay chúng ta sẽ mãi bị đánh đồng là một đám lông bông ngoài hàng net, còn những tài năng của chúng ta mãi không thể tìm nổi một khoản tài trợ ra hồn để phát triển niềm đam mê.
Đừng tự làm xấu đi định nghĩa về “game”, hãy đảm bảo việc bạn chơi game sẽ không gây ảnh hưởng xấu nào tới bản thân và xã hội, thậm chí game còn giúp bạn tốt lên. Mỗi người một tay, hình ảnh về game trong mắt mọi người sẽ tốt lên, cộng đồng game sẽ có cơ hội phát triển.
Bình luận (0)