Đừng lấy tiền nhà nước soạn sách giáo khoa

07/11/2014 09:00 GMT+7

Chuẩn chương trình mới ra sao, việc cấp tiền biên soạn sách giáo khoa rồi phát hành thế nào vẫn là điều khiến nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục băn khoăn, trăn trở.

Đừng lấy tiền nhà nước soạn sách giáo khoa
Vẫn còn nhiều ý kiến trăn trở làm thế nào để biên soạn SGK đảm bảo chất lượng mà không phải đầu tư quá nhiều tiền từ ngân sách nhà nước - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Hôm qua 6.11, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN đã tổ chức diễn đàn góp ý cho chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” (SGK).

Cần đầu tư biên soạn chương trình chuẩn

GS Nguyễn Khắc Phi, nguyên Tổng biên tập NXB Giáo dục VN, cho rằng vấn đề chương trình là quan trọng hơn rất nhiều so với SGK. “Nếu không lập tức bắt tay vào việc này thì e rằng dù khi đã hoàn toàn thống nhất ý kiến về các vấn đề quanh chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK, chúng ta lại chưa thể bắt tay vào viết SGK vì trên bàn chưa có một chương trình tử tế hay vẫn đang sa đà vào những cuộc trao đổi về nội dung chương trình”, ông Phi đặt vấn đề.

Theo GS Phi, chương trình lần này lại phức tạp hơn rất nhiều vì còn bao nhiêu vấn đề mới. Ví dụ, thế nào là “tích hợp mạnh ở tiểu học, THCS và phân hóa mạnh ở những lớp trên”, thế nào là “định hướng nghề nghiệp ở THPT”, quan hệ giữa việc cung cấp kiến thức của các môn học cụ thể với việc xây dựng nhân cách và phát triển năng lực…

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng nghiên cứu dự thảo chuẩn đầu ra phẩm chất và năng lực chung của các cấp học theo đề án đổi mới vẫn chung chung, không định lượng. Chẳng hạn, chuẩn đầu ra về phẩm chất “nhân ái, khoan dung” ở cấp tiểu học được quy định “tôn trọng các dân tộc, các quốc gia và các nền văn hóa trên thế giới”. Còn ở cấp THPT: “Có ý thức học hỏi các dân tộc, các quốc gia và các nền văn hóa trên thế giới”. Những phẩm chất này rất khó cho người biên soạn SGK, người chỉ đạo và người dạy.

Theo ông Thuyết, chương trình chi tiết của Canada, mỗi môn ở mỗi lớp được trình bày như một quyển SGK, trong đó có bài đọc, các bài tập và kiến thức cần hình thành. Giáo viên và học sinh sử dụng chương trình này làm tài liệu chính để dạy và học. Trên cơ sở chương trình, giáo viên có thể bổ sung các tài liệu dạy học khác phù hợp với yêu cầu, kỹ năng và với tình hình cụ thể của học sinh.

Nêu ra ví dụ đó, GS Thuyết đề nghị Bộ GD-ĐT cần đầu tư biên soạn những chương trình hoặc chuẩn chương trình chi tiết kiểu như vậy làm cơ sở cho cả người biên soạn SGK, người chỉ đạo và người dạy. Có như vậy mới đảm bảo được sự thống nhất giữa các bộ SGK và các cơ sở giáo dục dạy những bộ SGK khác nhau.

Bộ GD-ĐT trực tiếp sản xuất SGK là vô lý

Nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương có nhiều bộ SGK cũng như việc có một bộ SGK do Bộ chỉ đạo thực hiện để đảm bảo tính chủ động trong việc thử nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, cách thức tổ chức vẫn còn là điều gây nhiều bàn cãi. Nhiều ý kiến cho rằng Bộ là cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, không làm thay các nhà chuyên môn, nhà xuất bản và các trường.

GS Vũ Quang, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận định: “Nếu Bộ GD-ĐT biên soạn SGK thì chẳng khác nào thời bao cấp, nhà nước phân phối từ hạt muối trở đi. Bộ GD-ĐT chỉ nên biên soạn chương trình thật chuẩn và quản thật chặt chương trình đó, đảm bảo dù nhiều SGK nhưng thi phải thi theo chuẩn chương trình”.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng thốt lên: “Hãy tưởng tượng sự phi lý của việc Bộ Công thương đứng ra sản xuất máy cày, Bộ Y tế trực tiếp khám, chữa bệnh ngoài da, sẽ thấy phương án Bộ GD-ĐT trực tiếp sản xuất SGK vô lý như thế nào!”. GS Thuyết đề nghị: “Bộ GD-ĐT có NXB Giáo dục là đơn vị thuộc quyền quản lý của mình, tốt nhất là nên giao việc biên soạn, xuất bản SGK cho đơn vị đó. Như vậy, vừa phù hợp với chức năng, vừa tạo điều kiện để họ thực hiện công việc này bình đẳng với các tổ chức, cá nhân, các NXB khác”.

Tự bỏ tiền để có trách nhiệm hơn

Cùng với chủ trương nhiều bộ SGK và theo hướng SGK sẽ không còn là pháp lệnh khi chỉ có duy nhất bộ SGK như hiện nay thì việc “bao cấp” kinh phí cho việc biên soạn SGK cũng cần phải thay đổi.

Không ít ý kiến trăn trở về việc làm thế nào để biên soạn SGK đảm bảo chất lượng mà không phải đầu tư quá nhiều tiền từ ngân sách nhà nước, cũng chính là tiền thuế của dân. GS Thuyết cho rằng dù NXB Giáo dục hay các NXB khác muốn làm SGK thì phải tự bỏ tiền ra làm, nếu thiếu kinh phí có thể vay vốn nhà nước rồi hoàn lại bằng tiền bán sách. Còn nếu Bộ đứng ra làm thì tất nhiên ngân sách nhà nước phải cấp, chắc chắn sẽ không có hiệu quả bằng việc các NXB tự bỏ tiền túi ra làm.

GS Phạm Ngọc Đăng, nguyên Tổng thư ký Hội đồng giáo sư nhà nước, cũng đề nghị: “Không thể bao cấp việc biên soạn SGK. Dù tổ chức hay cá nhân nào cũng phải tự bỏ tiền ra để chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình. Phải đảm bảo tính cạnh tranh công bằng”.

Đồng quan điểm trên, GS Nguyễn Ngọc Phú, Phó chủ tịch Hội Tâm lý - Khoa học giáo dục VN, đề xuất nên huy động các hội nghề nghiệp tham gia biên soạn SGK, nhà nước có thể hỗ trợ một phần bước đầu hoặc cho vay chi. Sau này, có thành phẩm, người ta sẽ tổ chức bán thu tiền về tự trang trải. “Cách này nhiều nước đã làm, sẽ không mất nhiều thời gian và chắc chắn chúng ta sẽ nhanh chóng có SGK tốt và nhà nước lại không quá tốn kém”, GS Phú nói.

Không có chuyện Bộ trực tiếp in và bán SGK

Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định: “Bộ sẽ không trực tiếp đứng ra biên soạn SGK mà sẽ chỉ tổ chức chỉ đạo việc này. Không có chuyện Bộ đứng ra in và đi bán SGK. Cái đó để thị trường quyết định. Bên cạnh đó, Bộ cũng chưa nghĩ đến chuyện sẽ đề xuất cơ chế hỗ trợ về mặt kinh phí cho các tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn SGK. Mọi người tự bỏ tiền biên soạn SGK sẽ có rủi ro khi bộ SGK không được nhiều người mua, nhưng nhờ thế sẽ buộc những tổ chức, cá nhân đó phải nâng cao trách nhiệm của mình, nâng cao chất lượng SGK”.

Tuệ Nguyễn

>> Khó bình đẳng nếu Bộ vẫn biên soạn sách giáo khoa
>> Bộ GD-ĐT vẫn muốn biên soạn sách giáo khoa
>> Lộ trình biên soạn sách giáo khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.