Tôi nhớ hồi đó còn nhỏ xíu, đêm nằm trong ngôi nhà ngói hai gian, nghe gió rít ngoài cửa. Bố chạy vội lấy tấm áo mưa, chăng bốn góc mùng cho ba anh em ngủ. Ngoài trời gió rít từng cơn. Mưa ào ạt. Trong nhà cũng như có mưa phùn, ướt lẹp nhẹp. Bố vừa buộc dây mùng vừa cầu trời khấn phật cho cơn bão qua nhanh. Cứ đà này chắc cái nhà đổ mất, rồi gia đình không biết đi đâu về đâu. Nhà gần sông, sáng ra đã thấy bờ kè ngập nước, nước chảy ùn ùn ra sông, ra đồng, đục ngầu. Lúa bắt đầu chín, ngập trong cánh đồng trắng băng là nước. Bà con đứng ở mé bờ, xót xa. Vậy là bao nhiêu công sức, nay chắc hốt lúa non về. Nước rút chắc có khi hạt đã nảy mầm. Tôi thấy mẹ len lén lau nước mắt, tiếng thở dài nhè nhè, kéo sau tiếng bước chân vội vàng phía sau vườn. Mẹ ra dọn mấy cây chuối, đêm qua bão quật, đổ hết cả mấy buồng chuối non. Lũ gà vịt xao xác, tìm nơi trú ngụ. Nghe đài báo gió vẫn giật cấp chín, cấp mười ngoài bờ biển. Bố vội vàng đào thêm miếng mương cho nước chảy, sợ nó sạt vào nhà.
|
Năm nào cũng thế, mưa bão trở thành “đặc sản” của miền Trung quê tôi. Không hiểu tự bao giờ khúc ruột nhỏ xíu ấy của đất nước lúc nào cũng gánh chịu bao đau thương của thiên nhiên. Tháng bảy, tháng tám, bão ngập lối về. Lũ trẻ chúng tôi đi học, dép xỏ lên hai vai, chân trần lần mò từng con đường. Đứa nào đứa nấy ướt chèm nhẹp. Vậy mà mỗi buổi từ trường về còn thu lượm được một mớ cua nấu canh chiều. Mấy con cá nho nhỏ, kho lên ăn cơm những ngày mưa không đi chợ. Đối với chúng tôi, mưa gió, bão bùng là chuyện bình thường và chẳng có đứa nào có ý định nghỉ học.
Không chỉ mùa bão hoành hành. Mùa hè ở miền Trung cũng nóng như rang. Gió Lào thổi khô cháy cả một vùng. Đứng ở một gốc cây nhưng chỉ cần cơn gió thổi thôi cũng làm khô queo hết làn da. Vậy mà dưới cái nắng quắt da quắt thịt ấy vẫn có những người thợ, người nông dân miệt mài với công việc. Những ngày nắng gay gắt, nông dân phải đợi đêm đến, hò nhau đi cắt lúa. Đêm trăng thanh gió mát, tiếng bò, tiếng người râm ran khắp một quãng đồng. Người miền Trung bởi thế chắt chiu, tiết kiệm, sống tằn tiện để gom góp xây ngôi nhà khang trang, tránh mưa bão, nắng, gió Lào. Nhiều người vùng miền khác cứ nghĩ rằng con người miền Trung khô cằn, sỏi đá. Giống như chính mảnh đất họ sinh ra. Nhưng có lẽ cũng nhiều người hiểu rằng, chính mảnh đất ấy tạo nên con người. Họ sinh ra ở đâu, thời tiết như thế nào thì quanh năm suốt tháng ấy nó tôi rèn một con người như vậy. Cuộc sống dạy cho họ cách đứng lên trong giông bão cuộc đời. Kiên cường trước những sóng gió.
Những ngày bão bùng, mưa giông, trên sóng truyền hình, hình ảnh người dân ngồi trên mái nhà, trẻ em ngồi trong chậu nước, dập dềnh trên sông. Có những trận lũ lịch sử, khi nước đã rút hết, người dân chỉ còn lại ngôi nhà, trống huơ trống hoác, những bùn là bùn. Bởi vậy, sau những ngày đó, với miền Trung, là những bữa cơm đạm bạc, cà muối mặn, nhút làm từ mít, những con cua con tép bắt từ đồng ruộng, rau muống cắt từ những cánh đồng ngập nước. Thức ăn của người miền Trung lúc nào cũng mặn chát. Như chính cuộc đời, con người, cuộc sống của họ.
Chúng tôi lớn lên từ những ruộng đồng, nắng mưa bão bùng nên luôn muốn cố gắng học tập tốt để mong một ngày được trở về quê hương trong đủ đầy. Ai đã từng nghe câu hát "Miền Trung đất bồi phù sa, người miền Trung gian khó nhiều đời qua...." thì hẳn sẽ không thôi những dạt dào thương nhớ về quê hương mình. Hẳn nhiên sẽ đong đầy trong mắt những nỗi niềm. Ai xa quê mà không nhớ, nhưng với người miền Trung, nhớ quê thường nhớ trong niềm đau, trong những tháng năm vật lộn với mưa nắng, lũ lụt. Để rồi mỗi đứa con khi nghe một câu hát thôi, đã muốn chạy ùa về, để được ở trong lòng quê, thổn thức...
|
Bình luận (0)