Đừng mãi 'nói lại cho rõ'

14/06/2020 05:56 GMT+7

“Sẽ thu phí rác sinh hoạt theo ki lô gam” - phát biểu này của Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà ngày 11.6 đã khiến dư luận xôn xao, thậm chí sửng sốt.

Không khó hiểu khi dư luận phản ứng như thế, bởi đây là cách thức khó khả thi về mặt thực tế.
Chỉ một ngày sau phát biểu gây xôn xao, đến ngày 12.6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà phải “nói lại cho rõ” là: không tính tiền xử lý rác đổ đồng mà trên cơ sở người nào xả rác ra nhiều thì phải trả nhiều hơn, tức là dựa trên lượng rác mà như tôi đã nói, thông thường các nước dựa vào thể tích túi bao bì.
Trước hết, cần khẳng định việc tính tiền rác dựa trên cơ sở “người nào xả rác ra nhiều thì phải trả nhiều hơn” là công bằng, việc phân loại rác tại nguồn cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, định hướng đúng chỉ là bước đầu tiên trong việc hoạch định chính sách và cách thức tiến hành.
Việc tổ chức thực hiện như thế nào cho khả thi, hiệu quả, bám sát định hướng trở thành thách thức không nhỏ. Tất cả hình thành nên một chính sách toàn diện, mà người đứng đầu một bộ ngành chủ quản cần phải có kế hoạch bài bản, thông suốt. Từ đó, khi thông tin về chính sách mới có thể thuyết phục người dân.
Vì thế, trong trường hợp “cân ký” hay “tính thể tích bao đựng rác” để tính phí xử lý rác sinh hoạt cần được lên kế hoạch cẩn thận, chi tiết và thuyết phục trước khi Bộ trưởng TN-MT công bố với bàn dân thiên hạ. Đừng nên công bố xong, dư luận phản ứng thì phải “nói lại cho rõ”.
Tiếc thay, trường hợp trên không phải là lần đầu chính sách vừa được công bố thì phải “cải chính” do dư luận phản ứng. Dư luận có lẽ vẫn chưa quên những chuyện như: quy định thấp bé, nhẹ cân, ngực nhỏ không được lái xe máy; “thu phí” hay “thu giá” ở các trạm BOT; “học phí” hay “giá dịch vụ đào tạo”... Cứ mỗi lần như vậy, bị dư luận phản ứng thì cơ quan ban ngành lại “cải chính”, “nói lại cho rõ” hay “sửa sai”...
Đành rằng sai sót trong quá trình làm việc thì khó có thể tránh khỏi, nhưng ở góc độ hoạch định, ban hành chính sách thì đừng nên để xảy ra những sai sót mang tính cơ bản, thiếu thực tế dẫn đến “cải chính”.
Cứ mỗi lần như thế, người dân có quyền thắc mắc những quan chức có trách nhiệm đã thực sự thấu hiểu những chính sách mà họ đưa ra hay chưa! Bởi nếu thấu hiểu thì tại sao lại công bố rồi “cải chính” theo dư luận.
Đó cũng chính là những thước đo năng lực thực sự cho những quan chức cấp cao có trách nhiệm hoạch định chính sách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.